In bài viết

Xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước

(Chinhphu.vn) – Tại phiên họp thứ 20 diễn ra vào sáng 13/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước.

13/02/2023 12:53
Xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước - Ảnh 1.

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại 2 cơ quan là Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023 - Ảnh: VGP/ĐH

Trình bày Tờ trình về dự thảo Pháp lệnh, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về kiểm toán nhà nước; tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước; nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của kiểm toán nhà nước và tính nghiêm minh của pháp luật. 

Đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước nên chỉ quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.

Đến nay, dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đã được các cơ quan thống nhất cao về bố cục và nội dung.

Về bố cục, dự thảo Pháp lệnh sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 5 chương, 21 điều. So với dự thảo mà Uỷ ban Pháp luật đã thẩm tra ngày 22/12/2022 thì tăng thêm 4 điều; đồng thời kiểm toán nhà nước đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp rà soát, chỉnh sửa, thống nhất cao các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thẩm tra về dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và tán thành với tên gọi là Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Việc ban hành Pháp lệnh là thực hiện đúng quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu thực tiễn cần xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. 

Về phạm vi điều chỉnh, do đây là lần đầu tiên xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với lĩnh vực này nên Ủy ban Pháp luật thống nhất quan điểm Pháp lệnh chỉ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm đã rõ, xảy ra thường xuyên và mang tính phổ biến để bảo đảm tính khả thi; qua quá trình thực hiện sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, hồ sơ dự án Pháp lệnh đã được Kiểm toán nhà nước chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Các quy định của dự thảo Pháp lệnh đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật, pháp lệnh có liên quan...

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp của các cơ quan trong xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước. Theo quy định trong Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Xử lý vi phạm hành chính, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh này là đúng thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Pháp luật tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Tài chính – Ngân sách, tiếp tục làm rõ các ý kiến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. 

Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành về nguyên tắc, giao lại 2 cơ quan là Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.

Nguyễn Hoàng