In bài viết

Xếp lương khi chuyển ngạch có hệ số lương thấp hơn ngạch cũ

(Chinhphu.vn) - Bà Lê Thị Thanh Hồng ( ltth63@ ...) tốt nghiệp đại học sư phạm, khoa tâm lý giáo dục vào năm 1997, sau đó làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, hưởng lương bậc 7, hệ số 4,32, mã số 15a.205. Năm 2008 bà tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm âm nhạc và làm giáo viên âm nhạc của trường THCS Tam Thôn Hiệp.

18/12/2013 10:02
Ảnh minh họa
Năm 2010 bà Hồng được chuyển ngạch giáo viên trung học cơ sở chính, mã số 15a.201, bậc 8, hệ số 4,65 do có bằng đại học sư phạm khoa tâm lý giáo dục.

Nhưng đến năm 2013 Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh kiểm tra lại và cho rằng, bà không có bằng đại học sư phạm âm nhạc nên chuyển ngạch cho bà từ ngạch giáo viên mầm non cao cấp sang ngạch giáo viên trung học cơ sở. Tất cả các văn bản quyết định nâng lương, chuyển ngạch đều được làm lại thay thế các văn bản cũ (bắt đầu từ thời điểm bà chuyển sang giáo viên trung học cơ sở năm 2008).

Bà Hồng đã được chuyển ngạch, xếp lương như sau :

- Năm 2008 là ngạch giáo viên mầm non cao cấp (mã số 15a205), bậc 7, hệ số 4.32. Chuyển sang ngạch giáo viên trung học cơ sở (mã số 15a.202), bậc 8, hệ số 4.27. Hệ số chênh lệch bảo lưu 0,05

- Tháng 9/2010 được nâng lương bậc 9, hệ số 4,58, không có hệ số chênh lệch bảo lưu 0,05.

Bà Hồng muốn được biết, Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh thực hiện xếp lương, chuyển ngạch và nâng lương cho bà như vậy có đúng quy định không? Theo bà tìm hiểu quy định tại Mục II, Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ thì bà sẽ được hưởng hệ số bảo lưu chênh lệch trong suốt thời gian bà được xếp lương ở ngạch mới này. Đồng thời, khi chuyển xếp lương mới Sở Nội vụ đã kết hợp nâng bậc lương của bà từ bậc 7 lên bậc 8 rồi mới tính hệ số chênh lệch là chưa đảm bảo quyền lợi cho bà.

Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Hồng như sau:

Theo khoản 3, Mục II Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ, việc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc hoặc chuyển công tác được thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó.

- Khi thay đổi công việc hoặc chuyển công tác không được kết hợp nâng bậc lương hoặc nâng ngạch.

Trường hợp chuyển sang làm công việc mới không phù hợp với ngạch công chức, viên chức đang giữ thì phải chuyển ngạch.

Cách chuyển xếp lương

Trước ngày 10/6/2007 cách xếp lương khi chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 5, Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV như sau:

Trường hợp chuyển ngạch mà được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số bậc lương thấp hơn so với hệ số cùng bậc lương đang giữ ở ngạch cũ, thì chuyển ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ (kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ) sang ngạch mới được bổ nhiệm.

Đồng thời được hưởng thêm hệ số chêch lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương cộng với phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ; hệ số chêch lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm hoặc được nâng ngạch.

Kể từ ngày 10/6/2007, khoản 5, Mục III, Thông tư số 79/2005/TT-BNV nêu trên đã bị bãi bỏ theo quy định tại khoản 1, Mục III, Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Việc xếp lương khi chuyển ngạch công chức, viên chức được thực hiện theo khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, trong đó tại điểm c khoản này quy định: Trường hợp được bổ nhiệm vào ngạch mới có hệ số lương cùng bậc thấp hơn ngạch cũ, thì thực hiện như cách xếp lương hướng dẫn tại điểm a khoản 2 này (xếp ngang bậc lương và % phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ, kể cả tính thời gian xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung nếu có ở ngạch cũ sang ngạch mới)  và được hưởng thêm hệ số chênh lệch bảo lưu cho bằng hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng ở ngạch cũ.

Hệ số chênh lệch bảo lưu này được thực hiện như hướng dẫn tại điểm c, khoản 1 Mục II Thông tư này (Hệ số chênh lệch bảo lưu tại điểm c này (tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) được hưởng trong suốt thời gian cán bộ, công chức, viên chức xếp lương ở ngạch mới. Sau đó, nếu cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng ngạch hoặc chuyển ngạch khác, thì được cộng hệ số chênh lệch bảo lưu này vào hệ số lương (kể cả phụ cấp thâm nhiên vượt khung, nếu có) đang hưởng để xếp lương vào ngạch được bổ nhiệm khi nâng ngạch hoặc chuyển ngạch và thôi hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu kể từ ngày hưởng lương ở ngạch mới).

Việc chuyển ngạch là đúng quy định

Trường hợp bà Hồng, căn cứ thông tin phản ánh và bản sao các tài liệu bà Hồng gửi kèm theo thư điện tử, nhận thấy: Việc căn cứ vào Bằng tốt nghiệp đại học sư phạm khoa tâm lý giáo dục để chuyển ngạch cho bà Hồng từ ngạch giáo viên mầm non cao cấp sang ngạch giáo viên trung học cơ sở chính là không phù hợp với vị trí việc làm của giáo viên môn âm nhạc trình độ đào tạo cao đẳng mà bà Hồng đảm nhiệm tại Trường trung học cơ sở. Do vậy cơ quan quản lý viên chức đã chuyển lại ngạch cho bà Hồng từ ngạch giáo viên mầm non cao cấp sang ngạch giáo viên trung học cơ sở là đúng quy định.

Tuy nhiên, khi bà Hồng được chuyển sang ngạch trung học cơ sở, việc xếp lương vào bậc ở ngạch mới, tính hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu; thời gian, điều kiện hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu theo Quyết định chuyển xếp lại lương đối với viên chức do thay đổi công tác số 2063/QĐ-SNV ngày 19/3/2013; Quyết định nâng bậc lương đối với viên chức số 2064/QĐNL-SNV ngày 19/3/2013 của Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh còn chưa rõ căn cứ áp dụng cụ thể. Thắc mắc của bà Hồng là có cơ sở.

Theo luật sư, bà Hồng thuộc trường hợp có thể áp dụng quy định tại điểm c, khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Nếu  thực hiện đúng quy định này thì tính từ thời điểm chuyển sang làm công việc mới (năm 2008), bà Hồng được chuyển xếp lương từ bậc 7 ngạch giáo viên mầm non cao cấp (viên chức loại A1), hệ số 4,32 sang bậc 7 ngạch giáo viên trung học cơ sở (viên chức loại A0), hệ số 3,96 và được hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,36.

Đến ngày 1/9/2010, bà Hồng được nâng bậc 8 viên chức loại A0 hệ số 4,27. Tiếp tục hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,36.  

Đến ngày 1/9/2013, bà Hồng được nâng bậc 9 viên chức loại A0 hệ số 4,58. Tiếp tục hưởng hệ số chênh lệch bảo lưu 0,36. Mốc thời gian nâng bậc lương lần sau được tính từ ngày 1/9/2013.

Hệ số chênh lệch bảo lưu được hưởng trong suốt thời gian bà Hồng xếp lương ở ngạch giáo viên trung học cơ sở (viên chức loại A0).

Bà Hồng cần có đơn đề nghị UBND huyện Cần Giờ và Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh xem xét, áp dụng quy định tại điểm c, khoản 2, Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV xếp lương khi chuyển ngạch đối với bà.

Luật sư Trần Văn Toàn

VPLS Khánh Hưng – Đoàn luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.