Ông H. hỏi, việc xếp lương như vậy của cơ quan chủ quản có đúng với quy định hay không?
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời vấn đề ông H. hỏi như sau:
Chức danh Quản trị viên hệ thống hạng III (V11.06.14) theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 45/2017/TT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp Công nghệ thông tin hạng III (mã số V11.06.14) theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 08/2022/TT-BTTTT.
Chức danh này có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ như sau:
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật và định hướng phát triển, chiến lược, chính sách, quy định của ngành công nghệ thông tin, an toàn thông tin;
Nắm được tình hình và xu thế phát triển của ngành công nghệ thông tin trong nước và thế giới; có khả năng cập nhật, ứng dụng công nghệ, nền tảng và tiêu chuẩn mới trong hoạt động nghề nghiệp;
Có khả năng làm việc độc lập hoặc làm việc nhóm, có kỹ năng soạn thảo văn bản nghiệp vụ được giao tham mưu, đề xuất;
Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, an toàn thông tin và các quy định của pháp luật khác có liên quan;
Sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số (đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số) theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên các ngành đào tạo về công nghệ thông tin hoặc các ngành gần đào tạo về công nghệ thông tin;
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin.
Theo hướng dẫn tại Điểm c Khoản 1 Điều 15 Thông tư số 08/2022/TT-BTTTT, việc xếp lương đối với viên chức Công nghệ thông tin hạng III (V11.06.14) áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ.
Chức danh Công nghệ thông tin hạng III, An toàn thông tin hạng III được áp dụng hệ số lương của Viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT, chức danh nghề nghiệp Giáo viên THPT hạng III - Mã số V.07.05.15 có tiêu chuẩn về trình độ đào tạo bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ như sau:
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên THPT.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên THPT theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp Giáo viên THPT hạng III (đối với giáo viên THPT mới được tuyển dụng vào giáo viên THPT hạng III thì phải có chứng chỉ trong thời gian 36 tháng kể từ ngày được tuyển dụng).
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
Nắm được chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, quy định và yêu cầu của ngành, địa phương về giáo dục THPT và triển khai thực hiện vào nhiệm vụ được giao;
Biết xây dựng kế hoạch dạy học, xây dựng một số bài học theo chủ đề liên môn đối với những kiến thức giao thoa giữa các môn học; tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, kĩ thuật dạy học, các mô hình dạy học mới tích hợp;
Biết khai thác và sử dụng hiệu quả thiết bị công nghệ, thiết bị dạy học và học liệu trong dạy học, giáo dục và quản lý học sinh;
Có khả năng phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, phát hiện tài năng, năng khiếu học sinh; hỗ trợ học sinh trong công tác giáo dục kỹ năng sống; tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông;
Có khả năng dạy học qua internet, trên truyền hình theo chương trình môn học;
Sử dụng được các phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh;
Biết vận dụng các sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng vào thực tế giảng dạy, giáo dục học sinh hoặc làm đồ dùng, thiết bị dạy học cấp THPT;
Có khả năng hướng dẫn học sinh THPT nghiên cứu khoa học kỹ thuật từ cấp trường trở lên;
Có năng lực tự học, tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân;
Có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên THPT hạng III và có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 6, Khoản 2 Điều 7 và Điểm a Khoản 1 Điều 8 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo thì:
Không căn cứ trình độ được đào tạo để bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn hạng chức danh nghề nghiệp đã trúng tuyển đối với giáo viên THPT mới được tuyển dụng.
Giáo viên THPT mới được tuyển dụng sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập đánh giá đạt yêu cầu thì được bổ nhiệm vào đúng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT.
Viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT quy định tại Thông tư này được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Giáo viên THPT hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.
Theo quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP (tình trạng còn hiệu lực), trường hợp người được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức theo quy định tại Nghị định này, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH trước ngày tuyển dụng, tiếp nhận vào làm viên chức (nếu có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc không liên tục mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần thì được cộng dồn) ở trình độ đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
Khoản 5 Điều 21 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 7/12/2023) quy định, không thực hiện chế độ tập sự đối với các trường hợp đã có thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc theo đúng quy định của Luật BHXH, được bố trí làm việc theo đúng ngành, nghề đào tạo hoặc theo đúng chuyên môn nghiệp vụ trước đây đã đảm nhiệm mà thời gian công tác có đóng BHXH (nếu đứt quãng thì được cộng dồn) bằng hoặc lớn hơn thời gian tập sự tương ứng với thời gian tập sự của chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng quy định tại Khoản 2 Điều này. Đối với các trường hợp không thực hiện chế độ tập sự, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập phải cử viên chức tham gia khóa bồi dưỡng để hoàn chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh nghề nghiệp viên chức trước khi bổ nhiệm.
Nếu ông Phan Văn H. đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP thì thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của ông ở đơn vị cũ được tính để làm căn cứ xếp lương theo chức danh nghề nghiệp phù hợp với vị trí việc làm được tuyển và được xem xét có hay không phải thực hiện chế độ tập sự.
Việc xác định thế nào là đúng ngành, nghề đào tạo hoặc đúng chuyên môn đã đảm nhiệm trước đây căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm dự tuyển theo thông báo tuyển dụng và thuộc thẩm quyền của cơ quan tuyển dụng.
Luật sư Trần Văn Toàn
VPLS Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội
* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.