Ảnh minh họa |
Bộ Y tế cho biết, dự thảo Nghị định được xây dựng xuất phát từ việc lựa chọn nhằm tôn vinh các thầy thuốc có nhiều công lao đóng góp và những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đồng thời thể hiện sự quan tâm ghi nhận của Đảng, nhà nước và nhân dân đối với đội ngũ thầy thuốc và cán bộ y tế trong quá trình đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước phát triển. Đặc biệt, tạo nên sự tin yêu, quý trọng của xã hội đối với những thầy thuốc đạt danh hiệu vinh dự mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Thêm vào đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng ngày 16/11/2013 đã mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú". Tuy nhiên, các tiêu chuẩn khen thưởng cho từng nhóm đối tượng trong luật mang tính khái quát, chưa cụ thể hóa, chưa phù hợp với từng nhóm đối tượng, bên cạnh đó các quy định về hồ sơ, quy trình xét tặng chưa được quy định, do đó, cẩn phải ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong quá trình xét tặng.
Bộ Y tế cũng cho biết, trong thời gian qua, để thực hiện việc xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú", Bộ này ban hành một Thông tư hướng dẫn thực hiện việc xét tặng danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc Ưu tú", tuy nhiên, văn bản này còn bộc lộ nhiều hạn chế. Theo Thông tư này, danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" được xét tặng 2 năm/lần. |
Tiêu chuẩn xét tặng “Thầy thuốc Ưu tú”
Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 22 điều quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn, hồ sơ, quy trình xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”, “Thầy thuốc Ưu tú”. Trong đó nêu rõ tiêu chuẩn xét tặng 2 danh hiệu cao quý này.
Cụ thể, bên cạnh điều kiện trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, hết lòng thương yêu người bệnh, được nhân dân, người bệnh và đồng nghiệp tín nhiệm, để được xét tặng danh danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú”, trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về y tế, thầy thuốc phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Chủ nhiệm ít nhất 2 đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở đã được nghiệm thu; tham gia 2 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ, tỉnh đã được nghiệm thu; thư ký 1 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ, tỉnh đã được nghiệm thu hoặc tham gia 1 đề án, đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đã được nghiệm thu.
Bên cạnh đó, thầy thuốc cũng phải có thành tích thi đua, khen thưởng phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Đã được tặng 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên; đã được tặng 3 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh trở lên; đã được 2 lần tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, tỉnh và 1 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh hoặc đã được 6 lần tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, trong đó có 3 năm liên tục liền kề năm xét tặng và ít nhất 2 Bằng khen cấp Bộ, tỉnh.
Thầy thuốc cũng phải có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 15 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.
“Thầy thuốc Nhân dân” phải hoạt động trong nghề 20 năm trở lên
Theo dự thảo, thầy thuốc được xét tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” phải là người đã được tặng danh hiệu “Thầy thuốc Ưu tú” ít nhất từ 6 năm trở lên tính đến thời điểm xét tặng.
Bên cạnh đó, trong công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ về y tế phải đạt một trong các tiêu chuẩn sau: Chủ nhiệm ít nhất 1 đề án, đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp Bộ, tỉnh trở lên đã được nghiệm thu; chủ nhiệm ít nhất 1 sáng kiến ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Hội đồng Sáng kiến cấp Bộ, tỉnh cấp Giấy chứng nhận sáng kiến; chủ nhiệm ít nhất 1 sáng chế ứng dụng trong lĩnh vực y tế được Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học Công nghệ cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Bên cạnh đó, thầy thuốc cũng phải đạt một trong những thành tích như: Đã được tặng Huân chương Lao động hoặc Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hoặc Huân chương Chiến công từ hạng 3 trở lên; đã được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và ít nhất 2 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, tỉnh.
Ngoài ra, thầy thuốc phải có thời gian trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật trong ngành từ 20 năm trở lên; đối với cán bộ quản lý y tế thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp làm công tác chuyên môn kỹ thuật.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn