Ảnh mang tính chất minh họa |
Theo dự thảo, để được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân”, nghệ nhân được xét tặng phải đạt được những tiêu chuẩn sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; có những đóng góp xây dựng và phát triển nghề của địa phương.
Ngoài các điều kiện trên, để được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, nghệ nhân được xét phải có thời gian trực tiếp làm nghề thủ công mỹ nghệ từ 15 năm trở lên; có kỹ năng, kỹ xảo nghề điêu luyện; sáng tác thiết kế được 10 mẫu sản phẩm hoặc tác phẩm đạt trình độ kỹ thuật và có giá trị kinh tế, văn hoá, mỹ thuật cao; đã trực tiếp thiết kế, chế tác được 10 sản phẩm đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương; có ảnh hưởng rộng rãi trong ngành và xã hội; có nhiều thành tích trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề cho trên 100 người (trừ trường hợp đặc biệt); đã biên soạn được giáo trình, giáo án dạy nghề.
Đồng thời, đã có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau: Được giải thưởng hoặc được cấp chứng nhận thành tích của các tổ chức Nhà nước, tổ chức kinh tế và tổ chức xã hội nghề nghiệp tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế do cấp có thẩm quyền cho phép tổ chức; được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử; được phục vụ hoặc chọn làm quà tặng của Đảng, Nhà nước; được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật hoặc dạy nghề; trực tiếp tham gia vào công trình phục chế di tích lịch sử, văn hoá được UBND nơi có di tích lịch sử, văn hóa xác nhận.
“Nghệ nhân nhân dân” truyền nghề cho trên 150 người
Để được xét danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, nghệ nhân được xét phải có thời gian trực tiếp làm nghề thủ công mỹ nghệ từ 20 năm trở lên; đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”; tiếp tục giữ vững và phát huy ảnh hưởng của Nghệ nhân ưu tú, có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, trực tiếp chủ trì thiết kế, chế tác các sản phẩm, tác phẩm mới đặc biệt xuất sắc, có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao với số lượng sản phẩm, tác phẩm nhiều hơn so với tiêu chuẩn quy định của Nghệ nhân ưu tú.
Đặc biệt, phải có công lao to lớn trong việc giữ gìn, truyền nghề, dạy nghề cho trên 150 người (trừ trường hợp đặc biệt); đào tạo truyền nghề, dạy nghề cho nhiều thợ giỏi của địa phương được phong tặng là Nghệ nhân cấp tỉnh hoặc có học viên là Nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Đặc cách nghệ nhân sáng tạo, phát minh nghề thủ công mỹ nghệ mới
Theo dự thảo, danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” được xét tặng đặc cách cho Nghệ nhân tiêu biểu đạt một trong các tiêu chuẩn sau: 1- Là Nghệ nhân đặc biệt xuất sắc đạt các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, đến thời điểm xét tặng chưa đủ thời gian quy định nhưng đang mắc bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên; 2- Là Nghệ nhân chưa được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” nhưng đạt các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” theo quy định, độc lập sáng tạo và phát minh ra nghề thủ công mỹ nghệ mới của Việt Nam, đã có nhiều đóng góp phát triển nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, được chính quyền địa phương công nhận; 3- Là Nghệ nhân chưa được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” nhưng đạt các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” theo quy định, sản xuất ra sản phẩm có thương hiệu lớn, là niềm tự hào của Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế, sản phẩm của Nghệ nhân được chính quyền địa phương công nhận.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Tuệ Văn