In bài viết

Xóa nhà dột, nhà tạm – ‘điểm sáng’ trong giảm nghèo bền vững

(Chinhphu.vn) – Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, không chỉ là tài chính mà còn sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, các lực lượng … và đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính các hộ nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống.

11/04/2024 11:17
Xóa nhà dột, nhà tạm – ‘điểm sáng’ trong giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, không chỉ là tài chính mà còn sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, các lực lượng...

Công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một phong trào rộng khắp, trở thành một ‘điểm sáng’ của công tác giảm nghèo bền vững; không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân mà còn là động lực để phát huy hơn nữa truyền thống tương thân tương ái, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" từ nay đến năm 2025 và đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Chính phủ phát động Cuộc vận động "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" để phát huy tinh thần đoàn kết, nhân ái của dân tộc, huy động mọi nguồn lực hoàn thành chương trình xóa nhà dột nát cho 100% hộ nghèo trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, có thể khẳng định, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua đã trở thành một phong trào toàn diện, huy động, tập trung được đa dạng các nguồn lực từ trung ương đến địa phương, không chỉ là tài chính mà còn sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân, các lực lượng và đặc biệt là sự chủ động vươn lên của chính các hộ gia đình nghèo và cận nghèo để cải thiện cuộc sống. Công tác này cũng được người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm.

Nhiều văn bản chỉ đạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công tác giảm nghèo trong tình hình mới. Và đó cũng chính là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực vào cuộc nhằm thể chế hóa và triển khai thực hiện.

Gần đây nhất, tháng 6 năm 2021, Ban Bí thư đã có chỉ thị 05 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.

Năm 2023, Nghị quyết 42 của Trung ương về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đã đặt mục tiêu đến năm 2030: xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Gần 140.000 căn nhà Đại đoàn kết tặng người nghèo

Theo số liệu của Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tính từ năm 2000-2023, 1.762.938 căn nhà Đại đoàn kết đã được xây mới và sửa chữa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Giai đoạn 2021-2023, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước và sự trợ giúp của cộng đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã giúp đỡ xây mới và sửa chữa được 139.995 căn nhà Đại đoàn kết cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 trên phạm vi toàn quốc tại Quyết định số 134/QĐ-BLĐTBXH ngày 31/1/2024 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, tổng số hộ nghèo, cận nghèo có nhà ở chưa đảm bảo 3 cứng theo chiều thiếu hụt về chất lượng là 315.029 hộ (trong đó: hộ nghèo là 230.540 hộ; hộ cận nghèo là 84.489 hộ). Hiện nay, các địa phương đang triển khai hỗ trợ nhà ở cho khoảng 145.000 hộ nghèo, cận nghèo.

Thông tin về các chính sách và kết quả triển khai các chương trình hỗ trợ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin: Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo tại Dự án 5 của Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu ban đầu của Chương trình hỗ trợ nhà ở cho khoảng 100.000 hộ nghèo và cận nghèo. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn vốn chi thường xuyên của ngân sách trung ương với mức hỗ trợ trực tiếp là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Thời gian thực hiện từ 2022-2025. "Bộ Xây dựng là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án 5. Hiện nay, chương trình đã hỗ trợ được 28.040/126.780 hộ (đạt 22,12%)", Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết.

Về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu ban đầu hỗ trợ nhà ở cho khoảng 18.500 hộ nghèo, thời gian thực hiện từ năm 2021-2025. Mức hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách trung ương là 40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu đồng đối với hộ sửa chữa nhà ở, ngân sách địa phương hỗ trợ tối thiểu 10% so với mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Ngoài ra, hộ gia đình còn được vay vốn ưu đãi về lãi suất để làm nhà ở từ Ngân hàng Chính sách xã hội với mức tối đa là 40 triệu đồng. Ủy ban Dân tộc là đơn vị chủ trì thực hiện nội dung này.

Xóa nhà dột, nhà tạm – ‘điểm sáng’ trong giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Căn nhà mới kiên cố hỗ trợ hộ nghèo tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang

Một trong ba trọng tâm giải quyết vùng ‘lõi nghèo’

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được thiết kế với 7 dự án có tổng nguồn lực tối thiểu 75.000 tỷ đồng để tập trung thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1-1,5%/năm; giảm ít nhất ½ tổng số hộ nghèo và hộ cận nghèo.

Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo.

Theo Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Phí Mạnh Thắng, trong các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 có 3 dự án tập trung giải quyết vùng "lõi nghèo", gồm: hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa như hạ tầng giao thông, điện, dịch vụ viễn thông; phát triển giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tập trung hỗ trợ người nghèo sinh sống trên địa bàn nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Với phương châm "Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau" không phải là lời hô hào suông, nhiều nguồn vốn dành cho giảm nghèo nói chung, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát nói riêng đã được lồng ghép vào các chương trình, đề án của trung ương đến địa phương, trong đó có 3 chương trình mục tiêu Quốc gia, có "Tháng cao điểm" vì người nghèo được phát động trong toàn hệ thống Mặt trận,... những hoạt động này đã tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp cả nước.

Nguồn hỗ trợ cho người nghèo đã thực sự phát huy tác dụng, nhất là trong việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà "Đại đoàn kết", mặc dù mỗi nhà được hỗ trợ ở mức 50 triệu đồng, nhưng được sự giúp đỡ về an sinh xã hội của các doanh nghiệp, bà con dòng tộc, xóm giềng đóng góp ngày công, các loại vật liệu khác và của chính hộ gia đình nên khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo vững chắc, khang trang. Đó là nguồn động lực để tạo điều kiện cho người nghèo an cư, lập nghiệp, yên tâm phát triển sản xuất.

Thu Cúc