Dựa trên thông tin khảo sát đối với hơn 60.000 người dùng dịch vụ giao đồ ăn và hàng hoá khu vực Đông Nam Á, trong đó có hơn 7.000 người dùng tại Việt Nam, cùng dữ liệu từ Grab, báo cáo cho thấy người dùng vẫn tiếp tục ưa thích sử dụng các dịch vụ giao hàng. Ngày càng nhiều người dùng sử dụng các ứng dụng giao hàng như một “công cụ tìm kiếm” để khám phá và trải nghiệm những hàng quán mà họ chưa có dịp trải nghiệm trực tiếp.
Theo Báo cáo Xu hướng giao hàng thực phẩm và hàng hoá khu vực Đông Nam Á năm 2022, các xu hướng chính trong ngành gồm:
Dịch vụ giao đồ ăn và hàng hoá là một phần của lối sống hiện đại
Với người dùng trong khu vực, dịch vụ giao đồ ăn và hàng hoá là một phần của lối sống hiện đại, thay vì chỉ là nhu cầu thiết yếu trong thời kỳ dịch COVID-19 hay sở thích trước đại dịch: 7 trên 10 người dùng cho rằng dịch vụ giao hàng đã gắn liền với nhịp sống hằng ngày. Những người dùng được khảo sát đưa ra 3 lý do hàng đầu khi sử dụng dịch vụ giao hàng là: Sự tiện lợi; khả năng đáp ứng nhu cầu; chuẩn bị cho những cuộc họp mặt.
Khi dịch vụ giao hàng trở thành một phần của lối sống hiện đại, người tiêu dùng không chỉ đặt hàng nhiều hơn mà còn chi nhiều hơn cho mỗi đơn hàng: chi phí giao đồ ăn và hàng hoá trong tháng 5/2022 cao hơn 1,3 lần so với tháng 11/2021.
Người dùng Singapore chi nhiều nhất cho việc giao hàng, trong khi người dùng Việt Nam đặt hàng thường xuyên nhất trong khu vực. Tại Việt Nam, đơn hàng GrabFood có giá trị lớn nhất được ghi nhận là 1.998.000 đồng.
Nhìn chung, nhóm 25% người dùng chi tiêu nhiều nhất đã đóng góp gần 71% tổng chi tiêu giao hàng của cả khu vực. GrabFood là thương hiệu giao đồ ăn được nhóm người dùng này sử dụng nhiều nhất trên khắp Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, đối tượng sử dụng dịch vụ giao hàng nhiều nhất có xu hướng là các gia đình trẻ. Khoảng 72% người dùng dịch vụ giao đồ ăn ở Việt Nam là các gia đình có con nhỏ, họ đặt giao hàng ít nhất 7 lần/tháng. Tương tự, dịch vụ giao hàng hóa ghi nhận 76% người dùng có con nhỏ, sử dụng dịch vụ trên 14 lần/tháng.
Xu hướng mua sắm thực phẩm trực tuyến của người dùng Đông Nam Á đang dần thay đổi: Hơn 90% người tiêu dùng mua voucher thực phẩm trả trước và dành thời gian đọc các bài đánh giá hàng quán trực tuyến; hơn 80% người dùng đặt trước chỗ ăn uống hoặc chọn hình thức lấy món tại quán sau khi đặt đơn trực tuyến; và hơn 70% người dùng đặt hàng và thanh toán cho các bữa ăn tại nhà theo phương thức trực tuyến. 9 trên 10 người dùng cho biết họ thích các thương hiệu có trải nghiệm tích hợp cả trực tuyến và ăn tại chỗ.
Người dùng Đông Nam Á sử dụng ứng dụng giao hàng như công cụ tìm kiếm món ăn: Người tiêu dùng đang khám phá những hàng quán mới thông qua ứng dụng giao hàng. 88% người tiêu dùng biết đến một cửa hàng mới nhờ các ứng dụng giao hàng; 74% người dùng lướt các ứng dụng giao hàng khi chưa quyết định chọn nhà hàng, cửa hàng nào. Trung bình, người dùng GrabFood dành ra 17 phút để quyết định đặt món.
Xu hướng tiếp theo được Báo cáo đưa ra đó là: Các nhà hàng tiếp tục số hóa để đáp ứng nhu cầu giao nhận thực phẩm và hàng hóa. Ở Việt Nam, cứ 9 trên 10 nhà hàng cho biết các nền tảng giao hàng là dịch vụ không thể thiếu đối với hoạt động kinh doanh của họ, con số này cao hơn so với mức trung bình trong khu vực (8 trên 10 nhà hàng). Trên toàn khu vực, trung bình tổng doanh thu bán hàng của các nhà hàng tăng 15% so với trước khi tham gia các nền tảng giao hàng.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng chỉ ra thực phẩm có nguồn gốc thực vật và có lợi cho sức khỏe ngày càng phổ biến: Khoảng phân nửa (48%) người tiêu dùng Đông Nam Á được khảo sát đã dùng thử thực phẩm có nguồn gốc thực vật trong 6 tháng qua. 86% người tiêu dùng ăn ít nhất một bữa ăn có lợi cho sức khỏe mỗi 2-3 ngày.
Xu hướng này diễn ra mạnh mẽ nhất ở Việt Nam với các con số ghi nhận lần lượt là 83% và 93%. Xu hướng này được phản ánh qua thói quen đặt hàng của người dùng Grab tại Việt Nam, với nhu cầu về các bữa ăn lành mạnh trên GrabFood tăng gấp đôi trong giai đoạn 2019-2022, và các đơn hàng chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần tăng gấp 6 lần trên GrabMart trong giai đoạn 2020-2022.
Giải trí tại nhà vẫn là xu hướng hậu giãn cách: 2 trên 5 người dùng Đông Nam Á cho biết họ thích gọi món ăn về nhà mỗi khi tụ họp hơn là ra hàng quán. Đây cũng là lý do tại Việt Nam, số lượng các đơn đặt hàng lớn đến các khu dân cư vào cuối tuần tăng gấp 3 lần trên GrabFood trong hai năm qua. Người tiêu dùng chủ yếu dùng phần ăn combo, phần ăn lớn có thể chia sẻ cùng nhau và thức ăn nhẹ.
Ăn vặt trở thành một hoạt động nhóm: Sau khi các văn phòng làm việc mở cửa trở lại, 2 trên 5 người tiêu dùng Việt Nam ăn vặt ít nhất một lần trong ngày, hơn 60% người tiêu dùng có xu hướng đặt đồ ăn nhẹ cho nhóm mỗi đơn hàng. Chuối chiên và sữa chua trân châu là các món ăn nhẹ phổ biến nhất tại Việt Nam.
Niềm yêu thích trà sữa của người tiêu dùng Việt Nam vẫn không thay đổi: Thức uống này tiếp tục đứng đầu danh sách các món ăn được đặt nhiều nhất trên GrabFood trên toàn quốc, theo sau là cơm sườn và gà rán. Bên cạnh đó, khi ngày càng nhiều người chọn giải trí tại nhà, bia đã trở thành mặt hàng được đặt nhiều nhất trên GrabMart tại Việt Nam.
Đặc biệt, Báo cáo chỉ ra xu hướng ẩm thực địa phương chiếm vị trí cao khi người tiêu dùng Việt Nam quay trở lại với niềm đam mê bánh mì trong nửa đầu năm 2022. Bánh mì chiếm vị trí thứ 4 trong danh sách các món ăn được đặt nhiều nhất trên GrabFood. Cơm sườn cũng thăng hạng trong năm nay và chiếm vị trí thứ 2.
Trong bối cảnh các xu hướng mua sắm và giao hàng thực phẩm và hàng hoá mới hiện nay, Grab đang triển khai một số tính năng, sáng kiến mới và cải tiến nhằm cải thiện việc khám phá các quán ăn và trải nghiệm của người dùng với ứng dụng gồm cải tiến tính năng đánh giá và chia sẻ trải nghiệm, tính năng lấy món tại quán, tiết kiệm hơn khi giao nhận món ăn trực tuyến.
PT