In bài viết

Xu hướng phát triển tòa nhà, căn hộ thông minh

Trong 3-4 năm trở lại đây, rất nhiều các tòa nhà cao tầng hay những căn hộ cao cấp được xây dựng tại các TP lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…) đã và đang áp dụng những giải pháp tích hợp thông minh (còn gọi là hệ thống quản lý tòa nhà và căn hộ thông minh IBMS, IBS), không chỉ giúp cho các chủ đầu tư quản lý hiệu quả chi phí hoạt động, tiết kiệm năng lượng, thời gian, nhân lực… đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, mà còn tạo nên một môi trường sống an toàn, tiện nghi với những dịch vụ tiện ích, kết nối thông minh.

18/11/2011 15:51

Dự đoán đến năm 2040, tốc độ phát triển đô thị tại Việt Nam sẽ đạt mốc 50%, tổng diện tích đô thị sẽ tăng gấp 4 lần so với năm 2020 và hơn 10 lần so với thời điểm hiện nay. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt các dự án, các khu đô thị, khu nhà ở cao cấp, các TP lớn sẽ tiếp nhận thêm khoảng 20 triệu người khắp nơi chuyển đến sinh sống. Theo các chuyên gia ngành công nghệ thông tin (CNTT), để đem đến nhiều hơn nữa giá trị bền vững của người dân sống tại các TP, thông tin liên lạc được đánh giá là hạ tầng quan trọng bậc nhất của “Tòa nhà thông minh, căn hộ thông minh, KĐT thông minh”. Đây chính là xu hướng áp dụng các giải pháp tích hợp CNTT đã được nhiều nước trên thế giới (Mỹ, Pháp, Anh…) ứng dụng và đang từng bước được hiện thực hóa trong các trung tâm thương mại, tòa nhà, căn hộ cao cấp của Việt Nam.

Tại Hà Nội, hầu hết các tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại đều ứng dụng các giải pháp quản lý thông minh. Nhiều công trình đã phát huy được hiệu quả cũng như lợi ích mà IBMS, IBS mang lại. Có thể kể đến một số tòa nhà lớn, công trình trọng điểm như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, tòa nhà VNPT… Trong đó, Trung tâm Hội nghị Quốc gia là một trong những công trình tiêu biểu ứng dụng hệ thống thiết bị điều khiển chiếu sáng thông minh theo tiêu chuẩn EIB của Hiệp hội điều khiển chiếu sáng thế giới KONEX. Toàn bộ các nhóm đèn tại các khu vực quan trọng có thể điều khiển bật tắt, điều chỉnh độ sáng tại các khu vực bằng các nút nhấn, bảng điều khiển cảm ứng hoặc điều khiển tại trung tâm thông qua giao diện mô phỏng hệ thống trên màn hình máy tính. Dàn ánh sáng này có thể tạo dựng phông nền sân khấu, hệ thống điện chiếu sáng đều được điều khiển tự động. Ngoài ra, hệ thống còn được tích hợp với hệ thống báo cháy, rèm cửa và hệ thống quản lý tòa nhà BMS, giúp cho người vận hành có thể kiểm tra, điều khiển toàn bộ hệ thống với một màn hình duy nhất, có thể xử lý sự cố nhanh chóng. Hay như Trung tâm điều hành khai thác và phát triển các dịch vụ tin học viễn thông (thuộc TCty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) là tòa nhà được xây dựng có các trang thiết bị hiện đại gồm các hệ thống dịch vụ phức tạp hoạt động độc lập, đòi hỏi phải xây dựng một giải pháp tích hợp toàn diện nhằm tập trung hóa và đơn giản hóa việc giám sát, vận hành và quản lý tòa nhà. Giải pháp tích hợp cho phép nâng cao hiệu suất của tòa nhà bằng cách giảm chi phí nhân công, chi phí năng lượng, cung cấp môi trường làm việc tiện nghi và an toàn cho cán bộ, nhân viên làm việc trong nhà và khách đến làm việc với các đơn vị tại tòa nhà.

Còn đối với các căn hộ thông minh, biệt thự cao cấp, tùy theo nhu cầu và sở thích, chủ nhân căn hộ có thể cài đặt sẵn các chế độ để bật tắt các thiết bị cần sử dụng từ một nút điều khiển. Ví dụ, khi về đến nhà, chỉ cần ấn nút “Welcome”, thì ngay lập tức đèn sẽ bật sáng, rèm cửa tự cuốn, nhạc vang lên, máy lạnh tự khởi động... Lúc ra khỏi nhà, chủ nhà chỉ cần nhấn nút “Goodbye” thì tất cả thiết bị sẽ tự động tắt. Khi đi ngủ, bạn có thể chọn chế độ “Goodnight” bằng nút điều khiển đặt ngay trên đầu giường, hệ thống thông minh sẽ tắt các thiết bị không cần thiết… Ở Việt Nam có một số Cty chuyên cung cấp các giải pháp nhà thông minh và hệ thống quản lý tòa nhà IBS như Cty IBS, Emate, tập đoàn MV technology… giúp cho khách hàng có sự lựa chọn đa dạng và phù hợp với tòa nhà cũng như các căn hộ đạt “chuẩn thông minh”.

Theo ông Nguyễn Anh Tiến - Tổng giám đốc Cty CP Giải pháp tòa nhà thông minh IBS, thị trường xây dựng Việt Nam dù đang gặp phải một số khó khăn trước mắt, vẫn đang phát triển theo xu hướng phát triển chung của thế giới đó là đầu tư, xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường và thuận tiện cho người sử dụng. Đối với các tòa nhà, căn hộ thông minh ứng dụng các giải pháp tích hợp IBMS và IBS khi đi vào hoạt động sẽ tiết kiệm khoảng 15 - 30% trên tổng số điện năng tiêu thụ, giúp cho các chủ đầu tư quản lý tòa nhà, căn hộ một cách hiệu quả và dễ dàng hơn.


Theo Báo Xây dựng điện tử