Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Tại Hội thảo Trí tuệ nhân tạo trong y tế do Bộ Y tế và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức, GS Nguyễn Tiến Dũng, Đại học Toulouse, Pháp - người sáng lập Startup trí tuệ nhân tạo Torus Actions ở Pháp, chia sẻ, theo PwC – 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, thị trường AI trên thế giới đang tăng trưởng 36%/năm, từ 16 tỷ USD năm 2017 có thể lên 200 tỷ USD vào năm 2025, nếu tính các sản phẩm chứa AI thì sẽ lên khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2025.
Điều này cho thấy, xu hướng ứng dụng AI đang được xem là công nghệ nền tảng quan trọng nhất dẫn dắt hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, các lĩnh vực, các tổ chức và doanh nghiệp.
“Bất kỳ “ông lớn” nào trên thế giới cũng cần chiến lược AI để không bị lạc hậu, không bị đào thải ra khỏi xã hội. Y tế cũng là một trong những lĩnh vực có nhiều ứng dụng AI nhất hiện nay. Chỉ trong tương lai ngắn, ứng dụng AI trong y tế sẽ làm thay đổi toàn bộ bộ mặt về y tế”, GS Nguyễn Tiến Dũng nhận định.
Phẫu thuật bằng robot. |
Hiện nay, các ứng dụng sâu rộng trong y tế có ứng dụng AI là: Sổ điện tử khám chữa bệnh (bệnh án điện tử); khám bệnh điện tử; phát hiện bệnh sớm như tim mạch, ung thư..., chẩn đoán bệnh dựa trên phân tích ảnh y tế; y tá ảo; nghiên cứu tìm thuốc mới; đào tạo ở mọi lúc mọi nơi; tối ưu hoá hệ thống phân tích, tìm ra những điểm kém hiệu quả…
Tại Mỹ hiện nay, đã có trên 85% các bệnh viện đã có chính sách đầu tư vào AI trong quản lý bệnh viện và điều trị bệnh cho bệnh nhân…
Ở Việt Nam, ứng dụng AI cũng đã bắt đầu được thực hiện như sử dụng robot phẫu thuật, bệnh án điện tử... GS.TS Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản chia sẻ về một số công nghệ nền của AI để khai thác bệnh án điện tử ở Việt Nam, như dùng nhận dạng tiếng nói để tạo bệnh án điện tử, nghiên cứu về sử dụng thuốc ở Việt Nam, gợi ý phác đồ điều trị cho bệnh nhân... Theo GS.TS Hồ Tú Bảo, việc ứng dụng AI để khai thác dữ liệu bệnh án điện tử sẽ tạo ra một cuộc tiến hóa trong ngành y nước nhà.
Ông Phạm Xuân Viết, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, có rất nhiều phần mềm và hệ thống có hợp phần chính là AI được ứng dụng hiệu quả trong y tế. Ngay tại Việt Nam, có 1 hệ thống AI hỗ trợ chẩn đoán và gợi ý đưa ra phác đồ điều trị ung thư có hiệu quả cho bệnh nhân. Vì vậy, Bộ Y tế rất quan tâm lĩnh vực này và mong các doanh nghiệp trong nước làm sao phát triển AI trong lĩnh vực y tế để y tế Việt Nam không “tụt” quá xa so với thế giới.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia đã thảo luận về một số ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xác định và chuẩn đoán các bệnh về da, ung thư, xương khớp như dự án ứng dụng AI để xác định lượng cơ, mỡ bên trong cơ thể dựa trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính với độ chính xác trên 90% giúp các bác sĩ chẩn đoán bệnh, đưa ra phác đồ điều trị thích hợp…
Đặc biệt, các chuyên gia khẳng định, AI không bao giờ thay thế được bác sĩ, “các bác sĩ sẽ không thất nghiệp và bệnh viện sẽ không thất thu khi ứng dụng AI”, mà ngược lại có AI thì ngành y tế sẽ càng phát triển, và bản thân các bác sĩ phải luôn trau dồi kiến thức, biết sử dụng máy móc, biết phân tích số liệu để điều trị cho bệnh nhân tốt hơn.
Thúy Hà