Theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả khảo sát của một số dự án cho thấy, diện tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay A So ước tính khoảng 5 ha, chiều sâu ô nhiễm trung bình 0,7 m, tổng khối lượng trầm tích cần xử lý 35.000 m3, trong đó 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200 ppt.
Dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay A So được khởi công vào tháng 10/2020. Trải qua gần hai năm triển khai, nhưng do dịch COVID-19, nên quá trình thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Bộ Tự lệnh Hóa học đang tập trung mọi nguồn lực, nhân lực đẩy nhanh tiến độ xử lý để sớm hoàn thành dự án nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân và tạo điều kiện địa phương phát triển kinh tế-xã hội.
Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hiếu, Trợ lý Phòng Công nghệ xử lý môi trường (Viện Hóa học môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học" cho biết: "Dioxin là một trong những các chất cực độc tồn lưu sau chiến tranh. Trong quá trình xử lí chất độc tồn lưu này, chúng tôi thực hiện tất cả các biện pháp để ngăn ngừa việc phát tán của chất độc, cũng như trong bụi khí ra bên ngoài, như sử dụng tất cả các hệ thống tường bao xung quanh và dùng hệ thống tiêu tẩy khử khuẩn chuyên dụng để phun hơi nước".
Còn theo Thiếu tá Nguyễn Phượng Minh, Phó trưởng Phòng sinh học (Viện Hóa học môi trường quân sự, Binh chủng Hóa học), việc xử lí đất nhiễm dioxin tại sân bay A So bằng phương pháp chôn lấp cô lập tích cực và sử dụng phương pháp sinh học nhằm loại bỏ triệt để nồng độ dioxin ở trong đất, phục hồi môi trường: "Binh chủng Hóa học đang tập trung đẩy mạnh mọi nguồn lực, nhân lực, phương tiện kỹ thuật để hoàn thành tiến độ thị công theo đúng kế hoạch dự án đề ra vào cuối năm 2022".
Nhật Anh