In bài viết

Xử lý bất cập tại BOT Thái Nguyên-Chợ Mới

(Chinhphu.vn) - Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí QL3, dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75-Km 100.

24/08/2022 08:31
Xử lý bất cập tại BOT Thái Nguyên-Chợ Mới - Ảnh 1.

Trạm thu phí QL3, dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới - Ảnh: Báo Giao thông

Theo đó, Bộ GTVT đưa ra 4 phương án đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đánh giá để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét thông qua trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, phương án 1, thực hiện theo đúng hợp đồng dự án đã ký kết, nhà đầu tư triển khai thu phí tại 2 trạm (QL3 và trên đường Thái Nguyên-Chợ Mới) để hoàn vốn. Trong đó, trạm QL3 triển khai theo phương án miễn, giảm phí đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo tính toán sơ bộ, thời gian thu phí tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng (do lùi thời gian bắt đầu thu phí tại trạm Quốc lộ 3 từ tháng 7/2019 sang dự kiến vào cuối năm 2022). Để bảo đảm thời gian hoàn vốn theo hợp đồng đã ký kết (khoảng 25 năm), nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỷ đồng

Phương án 2, chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên-Chợ Mới, không thu phí trên Quốc lộ 3, doanh nghiệp dự án bàn giao QL3 đoạn Km 75-Km 100 cho cơ quan nhà nước quản lý khai thác và bảo trì.

Theo tính toán sơ bộ, để bảo đảm hiệu quả tài chính (với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 4 tháng như hợp đồng đã ký), Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 3.050 tỷ đồng.

Phương án 3, di dời trạm thu phí Quốc lộ 3 từ Km 77+922 về đặt trên đoạn Km 93-Km 100 (trong phạm vi đầu tư nâng cấp, cải tạo). Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe đoạn Km 93-Km 100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính; để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 4 tháng theo hợp đồng đã ký, Nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỷ đồng.

Phương án 4, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật về PPP. Theo tính toán sơ bộ theo các quy định của hợp đồng dự án đã ký, Nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty TNHH BOT Thái Nguyên-Chợ Mới cho biết, 5 năm qua nhà đầu tư, các cấp chức năng đã vào cuộc gỡ khó cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp dự án cũng xây dựng phương án miễn, giảm phí qua trạm cho người dân khu vực và được cấp có thẩm quyền thông qua. Mặc dù vậy, công tác thu phí còn gặp nhiều trắc trở và còn những bất cập nhất định. Do đó, dự án được mua lại vẫn là giải pháp tối ưu lúc này.

Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75-Km 100 khởi công năm 2015, hoàn thành đưa vào khai thác tháng 5/2017.

Theo nội dung của hợp đồng dự án, nhà đầu tư có trách nhiệm huy động vốn (khoảng 2.746 tỷ đồng) đầu tư tuyến đường cao tốc Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn) dài khoảng 40 km, quy mô 2 làn xe, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km 93-Km 100 và quản lý bảo trì tuyến Quốc lộ 3 đoạn Km 75-Km 100 trong suốt vòng đời dự án.

Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, Bộ GTVT đã phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép nhà đầu tư thu phí trên tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới từ ngày 25/01/2018 để hoàn vốn.

Nhà đầu tư được thu phí tại 2 trạm thu phí (trên đường Thái Nguyên-Chợ Mới và trên QL3) để hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 01 tháng và tăng lên 25 năm 4 tháng sau khi phương án miễn, giảm phí cho người dân khu vực được đưa ra.

Thế nhưng, đối với trạm thu phí QL3, do người dân thường xuyên tụ tập phản đối, ngăn cản việc thu phí và yêu cầu tháo dỡ trạm thu phí, để bảo đảm an ninh trật tự, Bộ GTVT và UBND tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất chưa cho phép thu phí để lựa chọn giải pháp khắc phục bất cập.

Phan Trang