In bài viết

Xử lý nghiêm ô tô khách chở quá số người quy định

(Chinhphu.vn) - Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng ô tô khách chở quá số người, tăng giá vé quá quy định.

06/03/2014 16:35
Ảnh minh họa

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tại Thông báo số 92/TB-VPCP.

Cũng theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải tổ chức đồng loạt chiến dịch tuyên truyền và xử lý vi phạm quá tải trọng xe để thực hiện Công điện số 1966/CĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Xử lý nghiêm ô tô khách chở quá số người quy định

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến; kiểm tra và xử lý nghiêm tình trạng ô tô khách chở quá số người, tăng giá vé quá quy định, vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông để tranh dành khách; áp dụng biện pháp tước phù hiệu xe hoặc tạm đình chỉ kinh doanh tuyến cố định nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Giao thông vận tải các địa phương lắp đặt hệ thống biển báo và thiết bị đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giao thông nông thôn, vận động người dân hỗ trợ khắc phục việc hạn chế tầm nhìn tại các điểm giao cắt do tường rào, cây trồng.

Bên cạnh đó huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước, từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, xóa bỏ dứt điểm các điểm đen trên các tuyến đường giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường lực lượng tiếp tục tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động vận tải khách, nhất là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ; chở quá số người quy định; đi không đúng làn đường, luồng tuyến; vi phạm quy định về thời gian lái xe, lái tàu; đón, trả khách không đúng nơi quy định.

Đổi mới phương pháp tuần tra kiểm soát, tăng cường tuần tra lưu động và kiểm tra theo chuyên đề, đẩy mạnh việc phát hiện và xử lý vi phạm bằng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ; chỉ đạo Công an các địa phương huy động các lực lượng, trong đó có lực lượng công an xã phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát giao thông của Công an huyện tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm ở các tuyến đường giao thông nông thôn thường xảy ra tai nạn.

Đảm bảo an toàn giao thông trong mùa thi

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ đảm bảo an toàn giao thông trong mùa thi tuyển sinh năm 2014.

UBND thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo tăng cường các lực lượng hướng dẫn giao thông, bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các tuyến trọng điểm. Thực hiện quyết liệt việc lập lại trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý theo đúng quy định đối với mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, trông giữ xe trái phép, lập lại trật tự trong quản lý lòng đường, vỉa hè.

Các cơ quan thành viên của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền về pháp luật luật trật tự an toàn giao thông đến tận cơ sở, phường, xã, thị trấn, đến thôn, bản; phát huy hiệu quả các đội tuyên truyền lưu động và hệ thống đài truyền thanh xã, phường để tuyên truyền an toàn giao thông.

Đồng thời, phát huy vai trò của Hội Nông dân trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trên địa bàn nông thôn trong chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông (như ký cam kết giữa gia đình với tổ dân phố, đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn, tuân thủ quy định tốc độ, không say rượu lái xe, xe mô tô, xe gắn máy không chở ba, bốn người,…).

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm TTATGT

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng tuần tra, kiểm soát thực hiện đúng các quy định về điều lệnh, có tinh thần làm việc nghiêm túc, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), cương quyết xử lý nghiêm các hành vi chèn ép hành khách và chống người thi hành công vụ. Tăng cường phối hợp kiểm tra liên ngành về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, tập trung kiểm tra tại địa bàn nông thôn, nhất là tuyến đường có tai nạn giao thông tăng cao.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc kiện toàn Ban An toàn giao thông cấp xã; yêu cầu tổ chức ký cam kết giữa Trưởng ban An toàn giao thông quận, huyện với Trưởng ban An toàn giao thông xã, phường về bảo đảm an toàn giao thông trên từng địa bàn.

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm 2014 (từ 16/12/2013- 15/2/2014) toàn quốc xảy ra 4.834 vụ TNGT, làm chết 1.818 người, làm bị thương 4.741 người. So với cùng kỳ năm 2013 giảm 839 vụ (giảm 14,7%), giảm 107 người chết (giảm 5,56%) và giảm 1.057 người bị thương (giảm 18,2%).

Phan Hiển