In bài viết

Xử lý nghiêm vi phạm về giao thông đường thủy

(Chinhphu.vn) – Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

30/07/2015 16:41

Ảnh minh họa

Bộ Giao thông vận tải cho biết, ngày 17/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa (Luật số 48/2014/QH13), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015. Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi có nhiều nội dung mới điều chỉnh hoạt động quản lý, khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa. Do đó, có nhiều hành vi mới xuất hiện, bên cạnh đó còn có những thay đổi về từ ngữ chuyên môn cần được điều chỉnh trong Nghị định xử phạt vi phạm hành chính.

Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa ban hành trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật hàng hải và Luật Giao thông đường thủy nội địa. Đến nay, Luật Giao thông đường thủy nội địa đã được sửa đổi, bổ sung, theo đó, có những thay đổi về nội dung, hành vi và từ ngữ; Bộ Luật hàng hải sẽ được sửa đổi, bổ sung trong thời gian cuối năm 2015 và sẽ có hiệu lực trong năm 2016, như vậy, Nghị định số 93/2013/NĐ-CP không thể để đến thời gian Bộ luật hàng hải có hiệu lực thi hành mới sửa đổi. Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa được xây dựng trên cơ sở tách nội dung liên quan đến lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa của Nghị định số 93/2013/NĐ-CP.

Bổ sung quy định xử lý nhiều hành vi vi phạm

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 43 điều. So với quy định tại Nghị định số 93/2013/NĐ-CP, dự thảo bổ sung một số quy định xử lý các hành vi vi phạm như: Hành vi khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định; không có hoặc không làm thủ tục xác nhận hàng năm giấy chứng nhận an ninh cho cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài hoặc không thực hiện kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài đã được phê duyệt theo quy định; không có cán bộ an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài; hành vi sử dụng phương tiện thủy nội địa vận tải khách du lịch mà không có biển hiệu theo quy định; hành vi không có sổ nhật ký của phương tiện theo quy định; hành vi chở quá số người được phép chở trên phương tiện nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú ngủ đêm…

Cụ thể, hành vi khai thác phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định sẽ bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối phương tiện chở hàng nguy hiểm, chở dầu, chở ô xy hóa lỏng; phương tiện đệm khí; từ 30 – 40 triệu đồng đối phương tiện chuyên vận tải hành khách có sức chở trên 12 người; từ 40 - 50 triệu đồng đối nhà hàng nổi, khách sạn nổi, phương tiện lưu trú ngủ đêm. Ngoài ra, đối tượng vi phạm sẽ bị đình chỉ hoạt động.

Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.

Tuệ Văn