Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), đây là giải pháp tốt nhất xử lý nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 6/2013 các doanh nghiệp còn nợ đọng gần 6.000 tỷ đồng. Năm 2012, nợ đọng BHXH bắt buộc cũng lên 4.274 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề nghị không nên "cắt lát" như theo dự thảo, mà cần cho phép cơ quan BHXH được thanh tra chuyên ngành, thay vì chỉ giao thanh tra việc đóng BHXH.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hằng (Nam Định), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng: Có thể hiện tại đóng bảo hiểm xã hội là vấn đề nóng nên việc thanh tra đóng bảo hiểm là quan trọng hơn. Nhưng thực tế còn rất nhiều vấn đề khác như việc quản lý Quỹ BHXH, chi trả BHXH cũng quan trọng và những vấn đề này đều liên quan đến nhau.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng BHXH đã thanh tra thì cần thanh tra toàn diện, việc chia cắt nhiệm vụ như trong dự thảo sẽ gây khó khăn cho quá trình thực thi.
Mở rộng phạm vi đóng BHXH với cán bộ cấp xã
Nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc bổ sung đối tượng là cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tham gia BHXH bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng nhóm đối tượng này có thời gian làm việc ổn định, đảm nhận nhiều công việc khác nhau và trực tiếp triển khai các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Do vậy, cần phải có cái nhìn khách quan và đặt đúng vị trí của họ. Cán bộ không chuyên trách cấp xã trên thực tế làm việc như công chức. Ngoài làm việc trọn ngày, trọn tháng thì nhiều khi họ còn phải làm việc cả vào buổi tối. Do vậy, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu mà không có chế độ gì thì rất thiệt thòi.
Nhiều đại biểu cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ 10% cho cán bộ không chuyên trách cấp xã nếu thuộc đối tượng tham gia tự nguyện và 14% với đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc. Theo tính toán, Nhà nước sẽ phải bỏ ra 443 tỷ đồng/năm để hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người hoạt động không chuyên trách.
Hai phương án điều chỉnh mức lương hưu
Cũng trong phiên thảo luận hôm nay, nhiều vấn đề về chế độ hưu trí, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều chỉnh mức lương hưu… được nhiều đại biểu đưa ra. Trong đó, có 2 phương án điều chỉnh mức lương hưu như sau:
Phương án 1: Từ 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng trong 15 năm của lao động nữ và 20 năm của lao động nam (theo lộ trình từ 2018 đến năm 2022). Sau đó cứ mỗi năm làm việc, người lao động được tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.
Phương án 2: Số năm đóng BHXH tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; năm 2019 là 17 năm; năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm và từ năm 2022 trở đi là 20 năm. Sau đó, cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Mặc dù còn nhiều ý kiến giữa hai phương án này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cả 2 phương án đều hướng tới mục tiêu bảo đảm việc cân đối đóng-hưởng BHXH.
Linh Đan