Chính phủ yêu cầu miễn kiểm tra, miễn ghi nhãn phụ với thực phẩm, nguyên liệu… nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu - Ảnh minh họa |
Cụ thể, đó là nhiệm vụ sửa đổi quy định để miễn kiểm tra, miễn ghi nhãn phụ tiếng Việt với thực phẩm, nguyên liệu… nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu; nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu; và nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 năm 2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.
Đây đều là những vướng mắc liên quan tới kiểm tra chuyên ngành – lĩnh vực được đánh giá là “nút thắt cổ chai” để kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ.
Chờ sửa Luật hay làm ngay?
Về sửa đổi quy định để miễn kiểm tra, miễn ghi nhãn phụ tiếng Việt với thực phẩm, nguyên liệu… nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ đã làm việc với các Bộ NNPTNT, Công Thương và thấy rằng Nghị định 38 năm 2012 không cho phép miễn. Do đó, các Bộ thống nhất trong thời gian chờ sửa Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38, trong tuần tới sẽ trình Chính phủ cho phép miễn.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thành viên Tổ công tác, không đồng tình với cách giải thích này. “Nhiệm vụ này không trái với Luật, cũng không vướng Nghị định 38, vì luật và nghị định không quy định rõ, nên mới đưa vào Nghị quyết 19 của Chính phủ. Cái này cần bàn thêm với Bộ Tư pháp, nhưng theo tôi, nghị định chưa rõ, còn nghị quyết của Chính phủ đã cho phép thì các Bộ được quyền hướng dẫn”, Thứ trưởng Tuấn nêu quan điểm.
Về nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 năm 2012 về thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trong trường hợp sản phẩm chỉ thay đổi về kích cỡ vật liệu bao gói, Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết, ngay trong Thông tư 19 đã có quy định cho phép trong trường hợp thay đổi kích cỡ vật liệu bao gói thì doanh nghiệp không cần phải công bố lại.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Khoa giáo văn xã, VPCP cho rằng đây là nhiệm vụ được giao ngay từ năm 2015, tới 2016 Chính phủ lại tiếp tục giao, tính ra đã quá hạn hơn 1 năm. Nếu thấy rằng nhiệm vụ này không cần thiết, thì Bộ Y tế cần báo cáo lại Chính phủ.
Về nhiệm vụ cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện Bộ đã ban hành mã số HS với 864 dòng sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, chỉ còn 12 dòng sản phẩm chưa thể ban hành vì quá phức tạp, dù đã họp rất nhiều lần với hải quan.
Tuy nhiên, Bộ đã thống nhất với hải quan sẽ xử lý theo hướng khi hàng về tới cảng, doanh nghiệp sẽ tự khai báo, tự chịu trách nhiệm để hải quan áp mã. Nội dung này hiện đang xin ý kiến doanh nghiệp và sắp công bố.
Khi được yêu cầu thời hạn cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ trước 5/11 phải ban hành xong.
Thủ tục công bố hợp quy rất phức tạp, không minh bạch
Theo đánh giá của Bộ KHĐT, trong thời gian qua, Bộ Y tế có một số thay đổi về thủ tục quản lý chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu. Trong đó, rõ nhất là tại Thông tư 52/2015/TT-BYT đã sửa đổi thủ tục 2 bước thành thủ tục 1 bước.
Trước đây, doanh nghiệp phải kiểm tra chất lượng hàng hoá do tổ chức kiểm định được Bộ Y tế chỉ định thực hiện, sau đó tới bước 2 là cấp thông báo sản phẩm đạt chất lượng nhập khẩu do Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế thực hiện. Nay bãi bỏ thủ tục ở bước 2, kết quả kiểm định ở bước 1 có giá trị để thông quan hàng hoá.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều bất cập trong quản lý chuyên ngành thuộc trách nhiệm của Bộ Y tế cần tiếp tục giải quyết. Như danh mục hàng hoá kèm mã HS thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế chưa được ban hành đầy đủ, gây khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan hải quan.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thủ tục công bố hợp quy tại Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm rất phức tạp, không minh bạch, thời gian kéo dài (hàng tháng, có khi tới vài tháng), thường phải tốn chi phí không chính thức.
Đặc biệt, hiện Luật An toàn thực phẩm quy định “Thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu phải được cấp Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu đối với từng lô hàng của các cơ quan kiểm tra được chỉ định”, nghĩa là, 100% lô hàng thuộc các nhóm hàng trên đểu phải thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm mà không được áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro.
Bộ KHĐT kiến nghị Bộ Y tế thực hiện ngay các giải pháp nhằm giải quyết triệt để các vướng mắc của doanh nghiệp; thực hiện đúng quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2012/NĐ-CP, theo đó không áp dụng quy định công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các nguyên liệu nhập khẩu để gia công, chế biến hàng xuất khẩu. Đây cũng là những yêu cầu đã được chỉ ra tại Nghị quyết 19/2016.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng cần kiến nghị sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo các nguyên tắc cải cách thủ tục quản lý chuyên ngành đã đề ra tại Nghị quyết 19 và cam kết tại TPP và các hiệp định FTA. Cụ thể là áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra trên cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp thay cho việc kiểm tra từng lô hàng; phân loại mặt hàng cần kiểm tra trước thông quan, mặt hàng có thể kiểm tra sau thông quan.
Thành Đạt