Xử lý thông tin phản ánh về xây dựng đường cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh minh họa.
Báo điện tử VnExpress số ra ngày 08 tháng 5 năm 2025 có bài phản ánh về suất đầu tư đường cao tốc trên cầu cạn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bài báo nêu: Viện Kinh tế Xây dựng vừa báo cáo Bộ Xây dựng kết quả nghiên cứu đầu tư cầu cạn làm đường ô tô cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, nếu chỉ xét chi phí đầu tư ban đầu, cầu cạn có suất đầu tư 383 tỷ đồng/km, cao gấp 2,6 lần so với đường cao tốc nền đất. Suất đầu tư này chưa bao gồm giải phóng mặt bằng, lãi vay trong thời gian xây dựng, đánh giá tác động môi trường, xử lý nền đất yếu.
Viện cũng chỉ ra nhiều bất lợi của phương án đắp nền như phải giải phóng mặt bằng lớn, phụ thuộc nguồn cát đang khan hiếm, rủi ro lún, sạt lở, và thời gian xử lý nền đất yếu kéo dài. Trong khi đó, cầu cạn bằng bê tông cốt thép có thể khắc phục các vấn đề này, với ưu điểm thi công nhanh, tiết kiệm quỹ đất, thuận lợi thoát lũ, giảm nguy cơ xâm nhập mặn và ảnh hưởng môi trường. Ngoài ra, kết cấu móng bê tông cốt thép của cầu cạn giúp ổn định nền móng, không bị lún, dễ bảo trì, ít giao cắt và ít chia cắt dân cư.
Viện Kinh tế Xây dựng nhận định nếu chỉ xét chi phí ban đầu, cầu cạn có phần tốn kém hơn, nhưng nếu tính toàn bộ vòng đời dự án thì mức chênh lệch không đáng kể. Do đó, Viện đề xuất các dự án cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long nên kết hợp cả hai phương án đắp nền và xây cầu cạn, tùy theo điều kiện địa chất, vật liệu và môi trường từng khu vực.
Bên cạnh đó, ngành xây dựng được khuyến nghị đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới như dầm chữ U khẩu độ lớn làm từ bê tông cường độ cao (HPC) hoặc siêu cao (UHPC), để giảm phụ thuộc vào cát đắp, rút ngắn thời gian và hạ giá thành thi công...
Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét các nội dung của bài báo nêu trên; chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Phương Nhi