Đơn vị ông Đặng Thế Trưởng (Hà Nội) đang tham gia tư vấn đấu thầu các gói thầu trong lĩnh vực tư vấn và thi công xây dựng công trình. Trong quá trình triển khai thực hiện đơn vị có một số vướng mắc như sau:
Tình huống 1:
Chủ đầu tư dự án X là phòng giao dịch ngân hàng (đơn vị A) trực thuộc chi nhánh ngân hàng (đơn vị B, đồng thời là người quyết định đầu tư). Trong hồ sơ mời thầu gói thầu Y thuộc thuộc dự án X đã phát hành có quy định bên mời thầu là đơn vị A.
Tuy nhiên khi công khai thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án X và thông báo mời thầu gói thầu Y, chủ đầu tư (đơn vị A) đã sử dụng chứng thư số của đơn vị B để đăng tải thông tin. Do đó tên của bên mời thầu trên mạng đấu thầu là đơn vị B (không đúng với tên của bên mời thầu trong hồ sơ mời thầu đã phát hành là đơn vị A).
- Nhà thầu C khi tham dự gói thầu Y đã làm bảo đảm dự thầu gửi bên mời thầu/bên thụ hưởng là đơn vị B. Vậy, bảo đảm dự thầu của nhà thầu C có hợp lệ không?
- Nhà thầu D khi tham dự gói thầu có đơn dự thầu gửi bên mời thầu là đơn vị B. Vậy, đơn dự thầu có hợp lệ không?
Tình huống 2:
Do sai sót trong quá trình đăng tải và phát hành hồ sơ mời thầu nên giá trị bảo đảm dự thầu của gói thầu X đăng tải trên mạng đấu thầu quy định là Y1 đồng, giá trị bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu đã phát hành là Y2 đồng. Khi đánh giá các hồ sơ dự thầu, nhà thầu A có bảo đảm dự thầu với giá trị là Y1 đồng, nhà thầu B có bảo đảm dự thầu với giá trị là Y2 đồng.
- Trường hợp Y1<Y2 thì bảo lãnh của nhà thầu B có hợp lệ không?
- Trường hợp Y1>Y2 thì bảo lãnh của nhà thầu A có hợp lệ không?
Tình huống 3:
Trong hồ sơ mời thầu gói thầu X có yêu cầu số lượng hợp đồng là 3, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 5 tỷ đồng hoặc số lượng hợp đồng ít hơn hoặc bằng 3, mỗi hợp đồng có giá trị tối thiểu là 5 tỷ đồng và tổng giá trị tất cả các hợp đồng ≥ 15 tỷ đồng. Số lượng nhân sự chủ chốt là 3 người (1 chỉ huy trưởng và 2 cán bộ kỹ thuật). Số lượng công nhân tham gia là 10 người. Số lượng máy móc thiết bị là 5 máy. Nhà thầu A có hai hợp đồng tương tự, một hợp đồng có giá trị 6 tỷ đồng, một hợp đồng có giá trị 7 tỷ đồng. Nhà thầu B có đề xuất nhân sự chủ chốt gồm 2 người. Nhà thầu C có đề xuất số lượng nhân công là 8 người. Nhà thầu có đề xuất số lượng máy móc thiết bị tham gia là 3 máy.
Vậy, bên mời thầu có phải làm văn bản yêu cầu các nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu về các nội dung nêu trên không?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu (HSMT), căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Đối với câu hỏi của ông Trưởng, việc đánh giá hồ sơ dự thầu được thực hiện theo quy định nêu trên và thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu (Điều 74 và Điều 75 Luật Đấu thầu).
Liên quan đến việc sử dụng chứng thư số của đơn vị khác để mời thầu, việc đơn vị A (bên mời thầu) sử dụng chứng thư số của đơn vị B để mời thầu dẫn đến tên bên mời thầu trong E-TBMT khác với tên bên mời thầu trong E-HSMT là lỗi của bên mời thầu, không phải lỗi của nhà thầu.
Theo đó, trong trường hợp này, chủ đầu tư có thể coi đây là tình huống phát sinh trong đấu thầu và chịu trách nhiệm xử lý tình huống trên cơ sở bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo hướng yêu cầu nhà thầu thực hiện đính chính tên đơn vị thụ hưởng trong thư bảo lãnh dự thầu theo yêu cầu của E-HSMT.