In bài viết

Xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn khi DN giải thể?

(Chinhphu.vn) - Công ty TNHH Alexandre Kephas (TPHCM) thành lập và đi vào hoạt động ngày 15/9/2016. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động doanh nghiệp không phát sinh doanh thu, đến ngày 15/8/2018 doanh nghiệp có tạm ngưng hoạt động với thời gian 1 năm.

21/12/2019 08:02

Sau thời gian tạm ngưng doanh nghiệp đã quyết định giải thể ngày 9/10/2019. Khi thực hiện thủ tục giải thể tại Chi cục Thuế quận 3, doanh nghiệp được thông báo là sẽ bị xử phạt báo cáo quý 2, 3/2018 và quý 1, 2/2019 do nộp trễ hạn với mức phạt là 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo Công ty hiểu là tại Khoản 1, Điều 26 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế trong trường hợp doanh nghiệp đã có quyết định giải thể.

Công ty TNHH Alexandre Kephas đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có phản hồi để doanh nghiệp thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Căn cứ Điều 75 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012:

“Điều 75. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản

Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản thì không thi hành quyết định phạt tiền nhưng vẫn thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được ghi trong quyết định

Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Căn cứ Điều 9 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính:

“Điều 9. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản

1. Trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản theo quy định tại Điều 75 Luật xử lý vi phạm hành chính, mà quyết định xử phạt vẫn còn thời hiệu thi hành, thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày người bị xử phạt chết được ghi trong giấy chứng tử; người bị mất tích được ghi trong quyết định tuyên bố mất tích; tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản được ghi trong quyết định giải thể, phá sản. Quyết định thi hành gồm các nội dung sau:

a) Đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt, lý do đình chỉ; trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;

b) Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả tiếp tục thi hành.

2. Đối với hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, thì cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm phải có trách nhiệm thi hành.

Đối với biện pháp khắc phục hậu quả, thì cá nhân là người được hưởng tài sản thừa kế được xác định theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế phải tiếp tục thi hành phần còn lại của quyết định xử phạt.

Đối với tổ chức xử phạt bị giải thể, phá sản, thì quyết định thi hành một phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc giải thể, phá sản; người đại diện theo pháp luật của tổ chức bị giải thể, phá sản để thi hành…”.

Căn cứ Điều 1 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

1. Thông tư này quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế”.

Căn cứ quy định nêu trên, hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính nêu trên.

Trường hợp Công ty đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP) và Thông tư số 10/2014/TT-BTC (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 176/2019/TT-BTC) thì việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn đối với tổ chức xử phạt bị giải thể thực hiện theo Điều 75 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Điều 9 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP.

Chinhphu.vn