Một góc làng Pêng Sal Pêng. |
Làng Pêng Sal Pêng có 250 hộ với 1.085 nhân khẩu đa phần là người dân tộc thiểu số Giẻ Triêng, là ngôi làng trù phú nhất của xã Đắk Pét. Nhìn vào diện mạo mới này, mấy ai có thể ngờ được, trước đó chỉ vài năm, cả làng tan hoang với nạn đào vàng.
Dẫn chúng tôi dọc theo con đường bê tông sạch sẽ trải dài len lỏi tận ngõ ở làng Pêng Sal Pêng, ông A Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét chia sẻ, chính ông cũng ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của nơi này.
Những năm trước đây, Pêng Sal Pêng luôn bị bao vây bởi cái đói, cái nghèo. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, sự kiên trì của chính quyền địa phương nên nhận thức của bà con đã có nhiều chuyển biến. Nhà nào cũng chăm chỉ làm ăn, không cam chịu nghèo đói, vì thế mấy năm trở lại đây Pêng Sal Pêng thực sự đổi thay.
Để có được cuộc “cách mạng” này là sự chung tay của tất cả người dân trong làng. Ông A Mốk, Trưởng làng Pêng Sal Pêng cho biết, sự chung tay được thể hiện thông qua những hành động thiết thực, chứ không phải bằng khẩu hiệu, phong trào.
Nếu như có hộ khó khăn, neo người, bị đau ốm… khi đến vụ cấy hoặc thu hoạch nông sản, người dân trong làng không những động viên thăm hỏi, mà còn phụ giúp không công.
Sự đoàn kết, đùm bọc còn thể hiện qua việc đổi công cho nhau mỗi khi vào mùa thu hoạch rầm rộ, làm xong nhà này rồi cùng nhau làm cho nhà khác. Những hộ nghèo không có tiền mua cây-con giống, thì những người khá giả hơn sẵn sàng cho mượn tiền để đầu tư và còn hướng dẫn kỹ thuật.
Gia đình A Ral, A Rúp là một trong những hộ khá giả đã cho nhiều người trong làng mượn tiền, cây-con giống. A Ral bảo, anh còn cho mượn cả con trâu, con bò trước. Sau đó các nhà thu hoạch có tiền hoặc năm sau bò sinh sản thì trả lại. Nhờ đó đã nhiều gia đình từ hộ nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo, có đời sống khấm khá hơn.
“Pêng Sal Pêng luôn là làng đi đầu trong cả xã về mọi mặt. Làng có nhiều hộ khá và giàu nhất trong xã. Ở làng này, bà con không chỉ đua nhau làm kinh tế, mà còn đua nhau xây dựng gia đình văn hóa. Đặc biệt, bà con trong làng luôn chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách, các quy định của Đảng và nhà nước”, ông A Kiên hồ hởi.
Theo ông Kiên, cả thôn hiện chỉ còn 19 hộ thuộc diện nghèo, đa phần là những hộ người già cả, không có người lao động, hoặc mới tách hộ. Số hộ khá và giàu cũng chiếm khoảng 30-40%. Cả làng có hơn 100 ha bời lời, 80 ha mỳ, gần 20 ha lúa ruộng, lúa rẫy và hàng nghìn con gia súc.
Bà con gói bánh ốc chuẩn bị đón Tết. |
Rộn ràng đón xuân
Tết Nguyên đán dù không phải là ngày Tết chính của dân tộc Giẻ Chiêng, nhưng những ngày này dân làng Pêng Sal Pêng cũng náo nức sắm sửa để đón Tết cùng cả nước. Những người phụ nữ cùng nhau giã cối lúa mới, đàn ông khỏe mạnh lên rừng cắt lá dong về gói bánh.
Bà Cao Thị Bình, Chủ tịch Mặt trận xã Đăk Pét cho biết, vì làm kinh tết giỏi, nên năm nay làng Pêng Sal Pêng ăn tết to hơn mọi năm.
Để chuẩn bị cho dịp Tết này, anh A Hô đã chọn mua một con heo béo để mời anh em họ hàng cùng về chung vui: “Những ngày Tết Nguyên đán, người làng mình cũng không đi làm mà ở nhà nghỉ ngơi, vui chơi, đi thăm hỏi lẫn nhau. Năm nay được mùa lúa nên nhà mình mua hẳn con heo về ăn Tết”.
Dân làng Pêng Sal Pêng đón Tết Nguyên đán theo phong tục của dân tộc mình, đó là ngoài tổ chức tại nhà riêng, người dân còn mang rượu cần, thức ăn đến nhà Rông để cùng ăn uống, hát hò, đánh cồng chiêng.
“Không chỉ có Tết này thôi đâu, những ngày lễ khác trong làng như ma chay, cưới hỏi, cả làng đều cùng tập trung mời nhau căng rượu cần, hát múa”, A Mốk cho biết.
Vượt qua cơn sốt vàng với những hố đào tan hoang, dân làng Pêng Sal Pêng đã cùng giúp đỡ nhau vượt qua cơn đói, thoát cái nghèo để cùng đón những mùa xuân ấm no, đủ đầy, sung túc.
Mai Vy