Cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi |
Đáng chú ý, đã có ca bị viêm não-màng não do biến chứng của sởi. Đó là trường hợp bệnh nhân Đ.H.V (28 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Ngày 8/2, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, sau 3 ngày thì phát ban dạng sởi, kèm đi ngoài phân lỏng, mắt đỏ và chảy nước mắt, nước mũi. Bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Bệnh viện Hồng Ngọc với chẩn đoán sốt phát ban, xét nghiệm IgM sởi dương tính.
Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân xuất hiện khó tiếp xúc, rối loạn định hướng, bí tiểu... được chẩn đoán theo dõi viêm não do sởi và được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai ngày 17/2.
PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng Khoa Truyền nhiễm cho TTXVN biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao và rối loạn ý thức, trên da còn nhiều vết thâm do ban sởi chưa bay hết. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy có biến loạn với chẩn đoán viêm não-màng não do sởi.
Khai thác bệnh sử dịch tễ được biết, trước khi phát bệnh, bệnh nhân đang sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TPHCM - nơi được xác định đang có dịch sởi. Bệnh nhân không nhớ đã tiêm phòng sởi trước đó hay chưa.
Cũng theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, viêm não-màng não sau sởi là một biến chứng hiếm gặp. Đây ca bệnh đầu tiên được ghi nhận bị biến chứng viêm não-màng não gặp trong mùa dịch năm nay. Tình trạng bệnh nhân khá nặng vì rối loạn ý thức, thở oxy và đang được theo dõi sát sao tại phòng hồi sức cấp cứu.
Theo phác đồ của Bộ Y tế, bệnh nhân sởi có biến chứng viêm não cần được chỉ định điều trị hỗ trợ bằng Imunoglobulin miễn dịch (IVIg), là loại thuốc rất đắt tiền. Nếu điều trị tích cực có thể phục hồi, nhưng cũng có nguy cơ dẫn tới tử vong, hoặc sau khi hồi phục để lại di chứng ảnh hưởng đến phát triển trí não, tinh thần, thể chất.
Tiêm vaccine sởi đầy đủ
Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng thường xảy ra vào mùa Đông-Xuân, với tốc độ lây nhiễm rất cao từ người sang người, chủ yếu qua đường hô hấp.
Ngoài biến chứng viêm não, bệnh nhân mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, rối loạn hấp thu, thiếu hụt vitamin A có thể dẫn tới mù lòa... Phụ nữ bị mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non.
Người chưa bị mắc bệnh, hoặc chưa được gây miễn dịch đầy đủ bằng vaccine phòng bệnh sởi đều có thể mắc bệnh. Chỉ có thể ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh khi cộng đồng dân cư được tiêm chủng vaccine phòng bệnh đầy đủ.
Tại Việt Nam, bệnh sởi có xu hướng gia tăng rải rác, cục bộ từ cuối năm 2018 đến nay, chủ yếu tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp lớn như Đồng Nai, Bình Dương… Đối tượng mắc bệnh chủ yếu chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi ở trẻ em, nhưng đã ghi nhận nhiều người lớn mắc bệnh, trong đó có phụ nữ mang thai.
Hiện nay đang trong mùa Đông-Xuân, với sự gia tăng giao lưu, du lịch; tỷ lệ tiêm vaccine còn chưa cao tại nhiều khu vực; dịch bệnh sởi thường có chu kỳ 4-5 năm một lần, hiện đang nằm trong chu kỳ dịch… vì vậy, dịch bệnh rất dễ bùng phát nếu không thực hiện các biện pháp đáp ứng kịp thời.
Để phòng chống bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo:
Người dân cần chủ động thực hiện tiêm vaccine sởi, vì đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất. Cần đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vaccine phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.
Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vaccine sởi cần được tiêm vaccine tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.
Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày. Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật, sàn nhà… bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh. Hạn chế tập trung đông người, nhất là ở phòng chật hẹp, ít thông khí ở khu vực ổ dịch. Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
BT