Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã tăng trưởng trở lại. Trước đó, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 20,63% về lượng và giảm 24,82% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2016, diện tích cà phê trên cả nước đã tăng nhẹ trở lại (khoảng 0,3% so với năm 2015), đạt 645.400 ha. Sản lượng cà phê ước đạt 1,47 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2015 mặc dù năng suất cà phê giảm 0,4% do ảnh hưởng của hạn hán tại Tây Nguyên hồi đầu năm.
Đức và Mỹ tiếp tục là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 15,2% và 13,1%.
Giá trị xuất khẩu cà phê trong năm 2016 ở hầu hết các thị trường chính của Việt Nam đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường tăng trưởng mạnh là Philippines (83,5%), Algeria (67,7%), Trung Quốc (49,7%), Hoa Kỳ (49%), Đức (42,4%), Nhật Bản (16,8%) và Nga (16,1%).
Ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam - nhận định, điểm đáng chú ý trong năm 2016 là đóng góp ngày càng lớn của các sản phẩm cà phê chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam được dự báo sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới do nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này. Đơn cử như Nestlé đã đầu tư gần 300 triệu USD và đưa vào hoạt động nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại tỉnh Đồng Nai. Các công ty trong nước như: Trung Nguyên, Mê Trang, Vinacafe… đang mở rộng quy mô sản xuất.
Các chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc… cũng sẽ tạo cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam.
Nếu như trước đây chỉ cà phê nhân của Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường này mới được hưởng mức thuế 0%, còn các sản phẩm cà phê chế biến phải chịu mức thuế cao từ 15 - 20% thì nay với những hiệp định thương mại tự do, cà phê chế biến của Việt Nam chỉ chịu thuế 0 - 5% sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu vào các thị trường đã ký FTA trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn.
Đỗ Hương