Ảnh: vef.vn |
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết xuất khẩu của ngành điện tử đang tăng nhanh.
Nếu trước năm 1996, ngành điện tử Việt Nam còn chưa có sản phẩm xuất khẩu thì đến nay đã có sản phẩm xuất khẩu đi gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ năm 2005 trở lại đây, điện tử liên tục đứng trong top 10 các ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất của Việt Nam. Cơ hội cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam là rất lớn khi nhu cầu hàng điện tử toàn thế giới tăng từ 8 - 10%/năm.
Thông tin từ hội thảo “Cơ hội và giải pháp hỗ trợ ngành điện tử và tin học Việt Nam phát triển bền vững”, do VEIA, Hội Tin học TP Hồ Chí Minh (HCA) và công ty Dun & Bradstreet (D&B) tổ chức, ngày 16/5, cho thấy ngành điện tử Việt Nam đã có những bước phát triển với nhiều dự án lớn ứng dụng công nghệ cao của các hãng điện tử hàng đầu như Intel, Canon, Foxconn, Samsung, Nokia… kèm theo nhiều dự án "vệ tinh" sản xuất phụ tùng, linh kiện khác.
Nhiều thương hiệu lớn về công nghiệp điện tử đã quan tâm và tham gia đầu tư vào thị trường Việt Nam với các dự án từ vài trăm triệu USD tới vài tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành điện tử Việt Nam vẫn còn một số vấn đề khó khăn như cơ cấu sản phẩm của ngành đang bị mất cân đối, trong đó sản phẩm tiêu dùng chiếm 70%, còn sản phẩm điện tử chuyên dụng chỉ có 30%; phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên tiềm lực tài chính hạn chế...
Trong thời gian tới, để tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành điện tử ở cả thị trường trong và ngoài nước cần phải đầu tư công nghệ sản xuất, chú trọng khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và tăng giá trị gia tăng của sản phẩm; tập trung phát triển ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất phụ tùng, linh kiện đáp ứng yêu cầu của sản xuất.
Ông Chainaring Limpkittisin, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex (Thái Lan), chuyên tổ chức triển lãm, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, cho biết ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang hấp dẫn các nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Ông này dẫn chứng, thông tin từ Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Hàn Quốc cho biết, doanh nghiệp Hàn Quốc đang có xu hướng chuyển dịch các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp hội Công nghiệp điện tử Singapore cũng sắp đưa các thành viên đến Hà Nội nhằm khảo sát cơ hội và khả năng mở rộng mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam với chương trình “Khảo sát thị trường” được tổ chức bởi Công ty Reed Tradex.
Hiện cả nước có gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, trong đó, khoảng 1/3 là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, sử dụng khoảng 250.000 lao động, đáp ứng được nhu cầu trong nước với các loại sản phẩm điện tử, điện lạnh, công nghệ thông tin - viễn thông thông dụng với tốc độ tăng trưởng bình quân 20 - 25%/năm. |
Vũ Trọng