Sản phẩm hạt điều Việt Nam có chất lượng khá tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao và đều bảo đảm an toàn thực phẩm (Ảnh minh họa). |
Thị trường rộng mở nhưng sản phẩm phải tốt
Tại một hội nghị về hạt điều mới được tổ chức tại Đà Nẵng, ông Ranjeet Wallia, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Chi Commodities Handlers (Canada) cho biết, nhu cầu tiêu thụ hạt điều của thế giới đang gia tăng trong vài năm gần đây, nhất là sau khi có nhiều bằng chứng khoa học được chứng minh về dinh dưỡng của hạt điều được công bố rộng rãi.
Theo ông Ranjeet Wallia, riêng tại thị trường Mỹ, từ năm 2010 đến nay, nhu cầu tiêu dùng hạt điều đã tăng trưởng 53% và trở thành loại hạt tiêu thụ nhiều thứ 2, chỉ sau hạnh nhân. Người dân ở đây thường dùng hạt điều để chế biến thức ăn nhẹ, kết hợp với sữa hoặc sử dụng như những loại ngũ cốc khác. Hiện thị trường này đã chiếm tới 32% tổng sản lượng điều xuất khẩu hằng năm của Việt Nam, đứng đầu danh sách những nước nhập khẩu điều Việt Nam.
Còn tại EU, ông Joseph Lang, Giám đốc điều hành của Công ty Kenkko House, một trong những doanh nghiệp kinh doanh hạt quả khô lớn nhất ở đây, cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ điều ở EU dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, do người tiêu dùng ý thức hơn về giá trị dinh dưỡng của loại hạt dinh dưỡng này.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ gia tăng luôn đi kèm với yêu cầu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Người tiêu dùng châu Âu, theo một nghiên cứu về nhu cầu sử dụng hạt điều, thích sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, không biến đổi gen; đồng thời muốn biết sản phẩm có chứa chất gì, được sản xuất như thế nào, bảo quản ra sao…
Một doanh nghiệp kinh doanh hạt khô ở thị trường Trung Quốc cũng cho biết sẽ tăng nhập khẩu hạt điều chất lượng cao từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước.
Nỗi lo nguồn nguyên liệu
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính chung 10 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 913.000 tấn điều thô, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và 39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo cả năm nay, Việt Nam có thể nhập khẩu cán mức 1 triệu tấn nguyên liệu (nếu cả nhập tiểu ngạch từ Campuchia), chiếm tới 65% lượng điều chế biến trong nước.
Như vậy, dù được đánh giá là ngành hàng mang lại kim ngạch “tỷ đô”, tuy nhiên, với số lượng nhập khẩu như trên, ngành điều là một trong những ngành hàng có cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng nhất. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không chủ động được chế biến xuất khẩu và khó kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Giám đốc Công ty Vinacontrol (đơn vị giám định điều thô nhiều nhất Việt Nam), cho biết năm nay điều thô từ châu Phi nhập về chất lượng giảm rõ rệt, hay bị ẩm, mốc, mọc mầm… nên tỷ lệ hàng hư hỏng cao. Điều này đã làm thiệt hại hàng chục triệu USD cho Việt Nam và quan trọng hơn là làm giảm uy tín thương hiệu nhân điều Việt Nam.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), nếu như trước đây, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm chỉ đặt ra đối với người sản xuất thì nay ngành điều Việt Nam đã đưa vào cả toàn chuỗi, bao gồm cả các cơ sở chế biến, bao bì đóng gói, lao động, máy móc thiết bị…
Mới đây, Vinacas đã ra mắt ban vận động thành lập Câu lạc bộ sản xuất sạch hơn, quy tụ các doanh nghiệp đi tiên phong trong việc sản xuất điều sạch ở Việt Nam, nhằm tạo phong trào chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài giải pháp trên, Vinacas cũng đề nghị các doanh nghiệp nên phân loại chất lượng theo dòng sản phẩm nhập khẩu và xuất xứ trong nước, từ đó có mức giá khác nhau. Bởi qua ghi nhận phản ánh từ các thị trường, các sản phẩm hạt điều có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam có chất lượng khá tốt, hàm lượng dinh dưỡng cao và đều bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ông Thành cũng cho biết, sắp tới, Vinacas sẽ làm việc với các đối tác ở châu Phi để yêu cầu và thống nhất biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tránh tình trạng nhập phải hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín chất lượng điều xuất khẩu của Việt Nam.