In bài viết

Xuất khẩu nông sản: Cần tìm động lực tăng trưởng bền vững

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đã đạt ngưỡng cao, cần tìm ra động lực mới hoặc làm mới động lực cũ để tiếp tục tăng trưởng.

11/02/2025 11:26
Xuất khẩu nông sản: Cần tìm động lực tăng trưởng bền vững- Ảnh 1.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Câu chuyện từ văn phòng SPS Việt Nam

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam ( SPS Việt Nam) là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hoá theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.

Văn phòng có nhiệm vụ Thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) chia sẻ "Thực lòng chúng tôi ở Văn phòng SPS rất lo lắng, chỉ mong mỗi ngày không có cảnh báo gì. Tuy nhiên, thực tế lại gần như thường xuyên có cảnh báo".

Ông Nam cho biết riêng thị trường EU, năm 2024 Việt Nam đã nhận 114 cảnh báo. Nghĩ về câu chuyện phát triển thương mại nông sản tới đây, ông Nam Nêu quan điểm: "Với mục tiêu Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng về sản lượng nhưng không thể bỏ quên chất lượng. Hai vấn đề này phải luôn song song với nhau. Đặc biệt, người nông dân - lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này. Nếu chúng ta cứ mải mê tăng trưởng, không cẩn thận lại rơi vào cái bẫy chạy theo sản lượng".

Lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam cho biết thêm về xu thế trong thời gian tới, hiện chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp SPS khu vực ASEAN, SPS với Trung Quốc, SPS với Canada… Hầu hết các nội dung SPS đều ngày càng nâng cao, câu chuyện an toàn thực phẩm sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng nâng cao về chất lượng.

Dưới góc độ cơ quan đầu mối quốc gia tiếp nhận các thông báo thay đổi biện pháp SPS của các nước nhập khẩu, ông Ngô Xuân Nam đánh giá hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lớn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đều đã có các bộ phận kỹ thuật rất chuyên nghiệp để nhanh chóng tiếp cận với các thông tin thay đổi thị trường của cơ quan chức năng, "còn lại các doanh nghiệp khác tôi cho rằng chúng ta nên phân loại: Doanh nghiệp tiếp cận tốt là các doanh nghiệp lớn, DN chưa tiếp cận tốt là các doanh nghiệp nhỏ. Nhóm doanh nghiệp thứ 2 này sẽ là nguy cơ vi phạm cao khi chưa đáp ứng kịp với các thay đổi của thị trường xuất khẩu. Thực tế hiện nay, để nhóm các doanh nghiệp này tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường cũng đang là vấn đề khá khó khăn", ông Nam cho biết.

Xuất khẩu nông sản: Cần tìm động lực tăng trưởng bền vững- Ảnh 2.

Không gian phát triển của ngành nông nghiệp vẫn rộng mở nếu kết hợp được với những tiến bộ về khoa học, công nghệ - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thông suốt thông tin, phản ứng kịp thời với chính sách

Văn phòng SPS Việt Nam mới chỉ dừng lại ở các Cục, từ vài năm trở lại đây mới chuyển giao thông tin được đến 63 tỉnh thành nhưng từ các Sở của các tỉnh thành này mà đến được với các doanh nghiệp cũng là vấn đề.

Lãnh đạo SPS Việt Nam nhấn mạnh: "Việc kết nối chưa thông suốt thông tin đang gây khó khăn cho doanh nghiệp, nông dân khi tiếp cận các quy định thay đổi của thị trường, khi không tiếp cận thay đổi thông tin thị trường thì vi phạm rất dễ xảy ra. Cũng do chưa thông suốt được từ Trung ương, địa phương, đến doanh nghiệp và nông dân nên chúng ta sẽ phải khắc phục cái này trong thời gian tới, vì điều này tác động trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của nông dân, doanh nghiệp và tới xuất khẩu".

Theo Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường, nhất là nhiều nước đang có xu hướng nâng cao thách thức đó. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển.

"Về phía chúng ta, do sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistic, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được. Thách thức lớn trong giai đoạn tới, tôi cho rằng nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng "nóng", có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng", ông Hiếu chia sẻ.

Cũng chính từ nhận định trên, năm 2025, ngành nông nghiệp đang có xu hướng chú trọng tăng cường sức khoẻ của ngành; tìm kiếm các giải pháp phát triển bền vững, nâng cao chất lượng… Lãnh đạo cục Bảo vệ thực vật cũng đưa ra khuyến cáo: "Về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tức động của biến đổi khí hậu, tăng cường chứng nhận về trách nhiệm xã hội, môi trường…"

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều lĩnh vực trong ngành nông nghiệp đã đạt ngưỡng cao, cần tìm ra động lực mới hoặc làm mới động lực cũ để tiếp tục tăng trưởng.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, không gian phát triển của ngành nông nghiệp vẫn rộng mở nếu kết hợp được với những tiến bộ về khoa học, công nghệ của nhân loại. Không gian doanh nghiệp còn rộng mở nếu có sự liên kết rộng mở, thực chất và đổi mới trong tư duy từ đơn giá trị sang đa giá trị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh trong năm 2025 toàn ngành sẽ cần phản ứng nhanh hơn với chính sách; mạnh dạn đưa ra những kiến nghị về thay đổi chính sách với mục tiêu lớn nhất là đem lại lợi ích cho người nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đỗ Hương