Tính chung 5 tháng, hầu hết các nhóm hàng đều tăng nên kim ngạch xuất khẩu tăng, đạt 24,14 tỷ USD. Trong đó, nông sản đạt 13,11 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản 6,58 tỷ USD, tăng 22,7%; thủy sản 3,5 tỷ USD, tăng 3,6%; chăn nuôi 199 triệu USD, tăng 5,6%.
Các mặt hàng chủ lực đều có tín hiệu tích cực. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ 6,14 tỷ USD (tăng 23,6%); cà phê 2,9 tỷ USD (tăng 44,1%); gạo 2,65 tỷ USD (tăng 38,2%); điều 1,55 tỷ USD (tăng 19,3%); rau quả 2,59 tỷ USD (tăng 28,1%); tôm 1,3 tỷ USD (tăng 7,5%).
Một trong những nhóm hàng xuất khẩu ấn tượng 5 tháng qua là gỗ và sản phẩm gỗ. Riêng tháng 5, kim ngạch tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bộ NN&PTNT nhận định, do nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn phục hồi, kỳ vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có cơ hội tăng trưởng khả quan và nhiều khả năng đạt mục tiêu đề ra là 17,5 tỷ USD trong năm 2024.
Bởi theo thông lệ hàng năm, nhu cầu thị trường, đặc biệt là phân khúc đồ nội thất bằng gỗ, thường tăng rất mạnh vào quý IV, mùa của lễ hội với nhu cầu thay thế nội thất theo chu kỳ và thị trường nhà ở hoàn thiện.
Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục được duy trì và giữ vững, với giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,6%; Trung Quốc chiếm 19,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%.
Ngoài ra, nhờ những chỉ đạo nhất quán, chủ động của Bộ NN&PTNT trong việc khai thác tín hiệu thị trường, giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản tăng. Có thể kể đến giá gạo 638 USD/tấn, tăng 20,5%; cà phê 3.482 USD/tấn, tăng 49,9%; cao su 1.504 USD/tấn, tăng 8,8%; hạt tiêu 4.308 USD/tấn, tăng 39,3%.
Nếu từ nay đến cuối năm không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa, rau, quả đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng. Trong đó, lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu đạt khoảng 7,6 triệu tấn.
Về kết quả sản xuất, Bộ NN&PTNT cho biết, sau 5 tháng, cả nước gieo cấy 4,22 triệu ha, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước, nhưng năng suất bình quân đạt 67,6 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha. Sản lượng trên diện tích thu hoạch 17,8 triệu tấn, tăng 2%.
Hiện Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với địa phương, các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp triển khai đồng bộ Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Công tác phòng chống cháy rừng được chú trọng, đặc biệt tại các vùng trọng điểm có nguy cơ cao, như Tây Bắc, Tây Nguyên và Nam bộ. Diện tích rừng bị thiệt hại tháng 5 là 204,9 ha, giảm 42% và lũy kế 5 tháng đầu năm 652,3 ha, giảm 27% so cùng kỳ năm trước.
Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Chương trình hành động, Kế hoạch của Chính phủvề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thuỷ sản. Quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 về Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản đã được Thủ tướng phê duyệt.
Đỗ Hương