In bài viết

Xuất khẩu sắt thép tháng 11 tăng cả về lượng và kim ngạch

(Chinhphu.vn) - Trong tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 587.100 tấn sắt thép các loại, trị giá 470,1 triệu USD. Như vậy, so với tháng 10, xuất khẩu sắt thép đã tăng 10,4% về lượng và 8,2% về giá trị.

15/12/2022 10:19
Xuất khẩu sắt thép tháng 11 tăng cả về lượng và kim ngạch - Ảnh 1.

Trong tháng 11, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 587.100 tấn sắt thép các loại, trị giá 470,1 triệu USD.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường kim loại đang bước vào giai đoạn phục hồi. Mặc dù rủi ro vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn sau khi cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ còn thực hiện các mức tăng lãi suất tiếp theo vào năm sau, song nhu cầu công nghiệp sẽ có xu hướng được cải thiện sẽ hỗ trợ cho giá.

Thị trường tiêu thụ tiềm năng Trung Quốc đang tăng cường kích thích kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Khu vực châu Âu cũng tích cực chuyển đổi hạ tầng xanh. Do đó, nhu cầu kim loại cho nguyên vật liệu xây dựng, và các kim loại quý nhiều khả năng sẽ đón nhận lực mua tích cực hơn trong năm sau.

Trên thị trường nội địa, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11 vừa qua, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng 587.100 tấn sắt thép các loại, trị giá 470,1 triệu USD. Như vậy, so với tháng 10, xuất khẩu sắt thép đã tăng 10,4% về lượng và 8,2% về giá trị, đánh dấu tháng tăng đầu tiên cả về lượng và kim ngạch xuất khẩu sau nhiều tháng giảm liên tiếp.

Xuất khẩu sắt thép tháng 11 tăng cả về lượng và kim ngạch - Ảnh 2.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, giá dầu WTI tăng 2,51% lên mức 77,28 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,5% lên 82,70 USD/thùng.

Dầu thô thế giới tăng phiên thứ 3 liên tiếp

Giá dầu nối dài đà phục hồi sang phiên thứ 3 liên tiếp khi báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu tích cực cho năm 2023, bất chấp rủi ro lãi suất có thể tăng cao hơn theo những bình luận của Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell sau cuộc họp lãi suất vào hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, giá dầu WTI tăng 2,51% lên mức 77,28 USD/thùng và dầu Brent tăng 2,5% lên 82,70 USD/thùng. Trong khi đó, giá khí tự nhiên giảm mạnh 7,28% khi kế hoạch giới hạn giá khí đốt từ Liên minh EU hiện vẫn chưa thể đi đến thống nhất. 

Theo Báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cơ quan này đã điều chỉnh tăng dự báo mức tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 thêm 140.000 thùng/ngày lên 2,3 triệu thùng/ngày.

Dự báo về mức tăng trưởng nhu cầu cho năm 2023 so với năm 2022 cũng được điều chỉnh tăng thêm 100.000 thùng/ngày lên 1,7 triệu thùng/ngày, đưa nhu cầu tiêu thụ cho năm 2023 đạt mức trung bình 101,6 triệu thùng/ngày trước khả năng phục hồi của Trung Quốc và mức tăng trưởng của Ấn Độ.

Mặc dù tâm điểm của thị trường tài chính trong ngày hôm qua hướng về cuộc họp lãi suất của Fed, song thị trường dầu thô chưa cho thấy các phản ứngđáng  kể. Quyết định tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này không quá bất ngờ, nhưng các quan chức Fed đang cho thấy mức đỉnh lãi suất trong năm sau có thể đạt trên 5%, đồng nghĩa với việc Fed có thể tăng thêm 75 điểm cơ bản nữa vào năm sau, và khiến nền kinh tế gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, lăng kính tích cực từ triển vọng nhu cầu trong báo cáo IEA, đặc biệt là tiêu thụ tại châu Á, cùng một số hạn chế nguồn cung đã lấn át lo ngại vĩ mô và ngăn cản đà giảm của giá dầu vào cuối phiên.  

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)