Các hội chợ xúc tiến du lịch là cơ hội để DN du lịch phát triển được nguồn khách bền vững. |
Lãnh đạo nhiều DN lữ hành cho rằng để phát triển được nguồn khách ổn định, bền vững cần phải thay đổi cách làm xúc tiến du lịch hiện nay.
Đã qua thời ra sân bay, bờ hồ giành khách du lịch
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam (VISTA), hiện nay chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong hoạt động xúc tiến du lịch từ đầu mối, cơ quan chủ trì đến cả DN tham gia khi cả Tổng cục Du lịch, Bộ VHTT&DL lẫn Hiệp hội Du lịch Việt Nam đều tham gia vào hoạt động này. Còn DN cũng tự mình đăng ký tham gia những hội chợ mà họ thấy là cần thiết.
“Sự không nhất quán, thiếu rõ ràng về cơ quan chủ trì, mục đích xúc tiến, thị trường xúc tiến khiến cho công tác xúc tiến du lịch tại các hội chợ của Việt Nam dù đã làm hàng chục năm nay nhưng vẫn kém hiệu quả”, Giám đốc lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế nhận xét. Vì vậy, công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam đang cần một "nhạc trưởng" để có sự điều phối và phân vai rõ ràng trong lựa chọn thời điểm, sự kiện, hội chợ tham gia.
Cụ thể, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc lữ hành APT Travel đề xuất Tổng cục Du lịch sẽ chịu trách nhiệm quảng bá điểm đến tại các hội chợ, còn việc chuẩn bị sản phẩm du lịch nên giao cho Hiệp hội Du lịch và các DN.
Liên quan đến cách làm xúc tiến, ông Vũ Thế Bình cho rằng cơ quan chủ trì cũng như đơn vị tham gia phải chuẩn bị sớm, có kế hoạch dài hạn về tham gia hội chợ từ kinh phí, thiết kế sơ bộ gian hàng đến mục tiêu thị trường.
"Công tác thiết kế gian hàng chung, gian hàng riêng không thể manh mún mà phải làm sao thể hiện được hình ảnh du lịch quốc gia. Cơ quan chủ trì cần tạo điều kiện cho DN giao lưu, giao dịch trực tiếp tại hội chợ, chứ không chỉ đến hội chợ để ngồi. Sau hội chợ mà không mời được đoàn famtrip đến thì xem như chưa thành công".
Riêng với DN, ông Bình nhấn mạnh: Thời kỳ ra sân bay, bờ hồ giành khách đã qua. Lữ hành phải có nguồn khách riêng của mình thông qua xúc tiến bài bản còn nếu làm ngẫu hứng không bao giờ hiệu quả. DN tham gia các chương trình Hội chợ cần có quy trình ngắn gọn nhưng phải rõ ràng, và nhà nước muốn hỗ trợ cũng phải có quy trình để DN căn cứ vào đó tham gia.
Thống nhất đầu mối, lập nhóm DN
Về lâu dài, lãnh đạo VISTA cho rằng cần tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch để thống nhất đầu mối quản lý nguồn lực của Nhà nước đối với hoạt động này. Tại các Sở Du lịch cũng cần một trung tâm xúc tiến để tổ chức các sự kiện dễ dàng hơn.
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch tại các hội chợ, giải pháp lập các nhóm DN hoạt động ở từng thị trường, có sự tương đồng về ý
tưởng, định hướng kinh doanh để có thể hỗ trợ nhau tốt hơn được nhiều DN lữ hành ủng hộ.
Sắp tới Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ thành lập các nhóm inbound (khách quốc tế vào Việt Nam) nhằm thu hút khách quốc tế vào ngay từ đầu.
Bên cạnh đó, DN lữ hành nên chia nhỏ quy mô thị trường để hoạt động xúc tiến theo chiều sâu thay vì dàn trải, trùng lắp như trước.
Tán đồng ý tưởng này, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) cho rằng những nhóm DN như vậy không chỉ tham gia hội chợ, mà trong tất cả các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch họ sẽ cùng ngồi với nhau theo định kỳ để thảo luận thông tin liên quan tới thị trường đó, bàn bạc cách làm tốt nhất.
Các bên đều cần chủ động
Thừa nhận hiệu quả tham gia các hội chợ quốc tế của du lịch Việt Nam chưa cao, trong khi chi phí (cả Nhà nước và DN) rất tốn kém, ông Đinh Ngọc Đức cho rằng cần phân định rõ vai trò các bên.
Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm quảng bá hình ảnh điểm đến quốc gia, còn DN sẽ có trách nhiệm quảng bá sản phẩm du lịch. Rõ ràng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên, đồng thời cũng cần phải có một đầu tàu, cầu nối giữa DN và cơ quan quản lý Nhà nước, ở đây không ai có thể đảm nhiệm vai trò này ngoài Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ lựa chọn những hội chợ quốc tế quan trọng, phù hợp với năng lực và lợi thế của du lịch Việt để tham gia thay vì làm tràn lan. Các DN và Hiệp hội Du lịch sẽ sớm được thông báo kế hoạch tham gia, phối hợp cụ thể để chủ động phối hợp.
“DN nào có kế hoạch ngân sách xúc tiến quảng bá cần chủ động gửi cho Tổng cục Du lịch. Chúng ta không có nhiều tiền nên cần khẳng định chắc chắn số lượng gian hàng, mức kinh phí để cơ quan chủ trì có thể lên kế hoạch tổ chức tốt nhất chủ động".
Với đề xuất tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch, ông Đức bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng rất cần thiết để quy tụ được nguồn lực (không chỉ từ DN mà còn từ các đối tác, địa phương, các hiệp hội, hãng hàng không) để xúc tiến du lịch tại nước ngoài.
Nguyệt Hà