Ngày 14 tháng 3 năm 2008 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên; Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới). Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
1. Bộ Chính trị đã thông qua chủ trương và Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc triển khai xây dựng Nhà Quốc hội. Đây là một công trình lớn, có ý nghĩa nhiều mặt đối với đất nước, cần phải được xây dựng trang trọng có kiến trúc đẹp, hiện đại, đồng bộ gắn liền với phương án bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử tại khu vực này.
2. Thống nhất lựa chọn Phương án A đã được nâng cấp. Yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn làm việc với tác giả để hoàn thiện thêm Phương án A, bảo đảm uy nghi bề thế, hiện đại, trang trọng, mang tính dân tộc; có nội thất đẹp, tiện lợi; công năng phù hợp, đáp ứng cao nhất yêu cầu phục vụ Quốc hội.
3. Theo nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt, Nhà Quốc hội được xây dựng phải được gắn kết hài hòa với việc bảo tồn Di tích Thành cổ 18 Hoàng Diệu, khu di tích Hoàng thành và các công trình trong tổng thể không gian văn hóa lịch sử. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Viện Bảo tồn di tích sớm hoàn thành phương án tổng thể mặt bằng bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu. Viện Khoa học Xã hội Việt Nam triển khai ngay dự án khai quật, khảo cổ trên phạm vi khu vực được kéo dài 20 mét về đông (sau Hội trường Ba Đình).
4. Đồng ý thực hiện theo hình thức chỉ định thầu để hoàn thành dự án vào tháng 2 năm 2011. Bộ Xây dựng lập phương án triển khai cụ thể bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình và an toàn tuyệt đối trong quá trình xây dựng.
5. Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội tập trung chỉ đạo thực hiện các nội dung nêu trên, tổng hợp báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.