Siết chặt là cần thiết nhưng cũng cần tôn trọng cái riêng nghệ sĩ
Ông Cường cho rằng bên cạnh việc siết chặt quản lý nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, nhưng cũng cần tôn trọng cá tính, cái riêng của giới nghệ sĩ. Ảnh Chinhphu.vn. |
Ông Đặng Trọng Cường, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương chia sẻ: Trong thời gian qua, hiện tượng đạo nhạc, ca sĩ hát nhép, ăn mặc phản cảm,… được thông tin dày đặc trên một số trang báo mạng gây nhiều bức xúc trong dư luận. Trên các diễn đàn, người ta phê phán và coi những hành vi đó là “cầm nhầm”, “mượn khéo”, “lừa bịp khán giả”... Thậm chí có ý kiến còn gay gắt yêu cầu pháp luật phải "treo giò", không nên để những người như thế tiếp tục truyền tải giá trị thẩm mỹ cho công chúng nữa.
Trước những biểu hiện tiêu cực đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang. "Thiết nghĩ đây là việc làm hết sức cần thiết hiện nay, vừa để chấn chỉnh hoạt động này, đồng thời cũng góp phần giải tỏa bức xúc của dư luận", ông Cường bày tỏ.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng: "Chúng ta chỉ nên quản lý chặt chẽ những hành vi trực tiếp liên quan đến hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ, còn những vấn đề thuộc về đời tư, cá nhân của họ thì cũng cần tôn trọng. Dường như thời gian qua, một bộ phận dư luận và trang mạng cũng tỏ ra "quan tâm thái quá" tới việc ăn mặc, sinh hoạt đời tư,... của nghệ sĩ. Điều đó vô hình có thể tạo thành thị hiếu thông tin không phù hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có trách nhiệm của truyền thông
Theo kỹ sư Tiến cũng cần chấn chỉnh cách thông tin hoạt động văn hóa nghệ thuật đến công chúng cho phù hợp - Ảnh Chinhphu.vn |
Kỹ sư Tiến cho rằng, trong trường hợp này, không loại trừ tính chất tận dụng sự việc đời tư nghệ sĩ để "câu view", ngược lại có những trường hợp dùng báo chí để lăng xê, tạo scandal.
Do đó, kỹ sư Tiến kiến nghị, bên cạnh việc siết chặt quản lý, để lập lại trật tự trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cơ quan chức năng cũng cần chấn chỉnh, lưu ý cả việc đưa tin, cách thông tin hoạt động văn hóa nghệ thuật đến người dân.
Còn đối với công chúng, nếu nghệ sĩ nào cố tình xem thường dư luận, ăn mặc phản cảm, lợi dụng một số tờ báo, trang mạng để gây scandal, câu khách,... thì rất cần lên án và hãy để cho bánh xe phát triển đào thải họ.
Đề xuất thêm chế tài cấm biểu diễn
Sinh viên Hồng Nhung, Học viện Y - Dược cổ truyền cho rằng cần nói không với hát nhép và ăn mặc phản cảm. Ảnh Chinhphu.vn |
Đó chính là lý do những người theo nghề biểu diễn nếu chọn cách tự lăng xê mình bằng scandal, thì không những không thể tỏa sáng, mà ngày càng mờ dần và lụi tàn. Họ chỉ gây được sự tò mò đối với một bộ phận nhỏ công chúng, còn nhìn chung họ chỉ nhận được sự chê bai, phản ứng của đại bộ phận dư luận.
Do vậy, bạn Nhung cho rằng: "Nếu người biểu diễn hát nhép, thì pháp luật hãy xử lý về tội “sản xuất hàng giả”, còn nếu họ cố tình ăn mặc phản cảm trên sân khấu biểu diễn thì cần nói không với những văn hóa phản cảm đó".
Ở góc nhìn khác, bà Lương Thị Tuyết, nhân viên văn phòng, Công ty Cơ khí Lương Văn Hiến, Hà Đông, Hà Nội cho rằng: Nhà nước cần ban hành quy định cụ thể để xử lý thật nghiêm các nghệ sĩ cố tình hát nhép, ăn mặc phản cảm. Bên cạnh việc nâng mức phạt tiền, pháp luật cần bổ sung quy định nếu người biểu diễn cố tình vi phạm nhiều lần,... bị dư luận lên án thì tùy theo mức độ có thể cấm biểu diễn trong khoảng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm hay lâu hơn nữa… Bà Tuyết cho rằng chỉ có hình phạt cấm biểu diễn mới thực sự đem lại hiệu quả nhất, đủ sức để răn đe.
Tăng cường giáo dục thẩm mỹ cho cả nghệ sĩ và công chúng
Cũng về vấn đề trên, ông Trần Vũ Thành, giảng viên khoa Quản trị Văn phòng, Đại học Đồng Nai thì cho rằng, ngoài các biện pháp mang tính hành chính, kinh tế, chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc giáo dục thẩm mỹ cho những người tham gia hoạt động biểu diễn, nhất là với những người không được đào tạo bài bản ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp.
"Bởi vì, pháp luật không nên và không thể quy định cái quần ngắn cỡ nào, cái áo hở, hay mỏng cỡ nào thì không được lên sân khấu. Ngay cả thế nào gọi là phản cảm và không phản cảm đã là một vấn đề vì điều đó phụ thuộc quan điểm thẩm mỹ của từng người", ông Thành lý giải.
"Do vậy, nhà nước cũng cần phải có các biện pháp giáo dục để chính người nghệ sĩ phải có trách nhiệm trước công chúng, từ đó nâng mình lên để có mỹ quan và ý thức phục vụ công chúng tốt hơn".
Ngoài ra, ông Thành còn cho rằng, cần đẩy mạnh các hình thức giáo dục thẩm mỹ để nâng cao năng lực thẩm mỹ của công chúng nói chung, đặc biệt cần quan tâm đến giáo dục thẩm mỹ ở trong nhà trường.
Bởi vì đối với các thế hệ trẻ cần phải có chính sách giáo dục thẩm mỹ tốt ngay từ khi còn nhỏ, học sinh phải được giáo dục kỹ lưỡng về các môn như nhạc, họa, văn học... để nâng cao hơn nữa năng lực cảm thụ nghệ thuật và “khả năng miễn dịch” trước những chiêu trò “câu kéo” của một số người biểu diễn có hành vi phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục truyền thống của dân tộc./.
Bình Minh
Tin liên quan:
>> Không cấp phép biểu diễn cho đơn vị, cá nhân, ca sĩ đã có sai phạm
>> Tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải cam kết thực hiện quyền tác giả