In bài viết

Ý kiến xây dựng dự Luật Xử lý vi phạm hành chính

(Chinhphu.vn) – Liên quan trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống, Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu lập pháp và đông đảo người dân.

01/06/2012 11:18

Mở rộng thẩm quyền, hình thức xử phạt

Về thẩm quyền xử phạt VPHC của Công an nhân dân, theo Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, cần bổ sung thêm thẩm quyền xử phạt của cán bộ an ninh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ...

Đại tá, Tiến sĩ Trần Thế Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an

Ông Quân đề nghị nâng mức phạt tiền tối đa cho chiến sĩ Công an nhân dân, bộ đội Biên phòng, nhân viên thuế… lên 2 triệu đồng nhằm hạn chế việc chuyển vụ việc lên cơ quan cấp trên để xử phạt, đồng thời tránh cho người bị xử phạt phải đi lại nhiều lần để chấp hành quyết định xử phạt, gây lãng phí về thời gian và tốn kém kinh phí khi đi lại.

Về hình thức xử phạt, theo ý kiến của ông Quân, thực tế hiện nay một số hành vi có tính chất nguy hiểm như đua xe trái phép, khai thác khoáng sản trái phép...  nhưng không tịch thu được phương tiện, tang vật do những tang vật, phương tiện này người vi phạm đi mượn của người khác. Do đó, ông Quân kiến nghị bổ sung theo hướng chỉ trả lại tang vật, phương tiện vi phạm cho chủ sở hữu trong trường hợp tang vật, phương tiện đó bị chiếm đoạt trái phép.

Ông Hoàng Minh Hòa, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.  Đà Nẵng thì cho rằng, thẩm quyền xử phạt xử lý VPHC giữa cấp tỉnh và Sở chênh nhau quá lớn và quy định thanh tra viên làm Trưởng đoàn thanh tra được xử phạt như Chánh Thanh tra là chưa hợp lý.

Liên quan đến việc tước quyền sử dụng giấy phép và chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn (Điều 25 Dự Luật), theo ý kiến của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, quy định này không những có tác dụng giáo dục và răn đe mà còn có tác dụng nâng cao tính chuyên nghiệp của các đơn vị vận tải, nâng cao năng lực và chất lượng vận tải. Nhưng ông Liên chia sẻ, thực tế hiện này chưa có cá nhân, đơn vị nào bị tước quyền sử dụng Giấy phép và đình chỉ hoạt động (trừ một số hãng Taxi tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị Thanh tra Bộ Giao thông vận tải thanh tra đột xuất thời gian qua). Riêng Giấy Đăng ký kinh doanh thì kể cả ngừng hoạt động, giải thể tự nguyện cũng không thu hồi được Giấy phép vì việc trả lại Giấy phép gặp rất nhiều thủ tục phiền hà.

Theo luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, về thời hạn tước quyền giấy phép, chứng chỉ hành nghề nên quy định từ 6 tháng đến 36 tháng, nếu chỉ quy định 1 tháng là chưa nghiêm.

Phạt 2 tỷ đồng, nâng hơn tính răn đe

Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên đề xuất tăng mức phạt tiền đối với VPHC trong lĩnh vực y tế, sức khỏe và lĩnh vực lao động – xã hội. Luật sư Thanh cũng đề nghị bổ sung một số biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt thực tiễn áp dụng đã chứng minh tính hiệu quả như: Dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá nhập khẩu; Thu hồi mã số thuế; đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; Thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề....

Luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chi cục Phó Chi cục Môi trường - Sở Tài Nguyên và Môi trường Thái Nguyên, mức xử lý VPHC tối đa một hành vi trong lĩnh vực dầu khí và các loại khoáng sản khác hay bảo vệ môi trường, đất đai lên tới 2 tỷ đồng sẽ có tác dụng răn đe đối với các cơ sở sản xuất khiến họ phải tăng cường trách nhiệm hơn trong việc đầu tư, vận hành hệ thống xử lý và chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bà Liên băn khoăn, khi nâng mức xử phạt VPHC trong lĩnh vực môi trường lên tối đa 2 tỷ đồng thì mức phạt các hành vi vi phạm thông thường cũng sẽ đồng loạt tăng, mà thực tế khi tăng các mức xử lý đối với các hành vi thông thường thì việc xử lý vi phạm cũng sẽ gặp phải một số khó khăn vì những lý do khách quan và chủ quan.

Đồng quan điểm này, ông Hoàng Minh Hòa, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.  Đà Nẵng cũng cho rằng, mức xử phạt 2 tỷ đồng là đủ sức răn đe, tuy nhiên theo ông Hòa sự phân bổ một số mức xử phạt chưa hợp lý, ví dụ như mức phạt liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe con người, đất đai… còn thấp.

Còn theo luật sư Nguyễn Cẩm, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hải Phòng, trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, mức xử phạt cao nhất có thể đưa lên đến 3 tỷ đồng, nhưng đối với lĩnh vực bạo lực gia đình chỉ nên ở mức 30 triệu đồng, thay vì mức 50 triệu đồng như Dự Luật.

Về lĩnh vực giao thông, theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội, cần thiết phải nâng mức xử phạt, nếu để mức phạt nhẹ quá người vi phạm sẽ “nhờn”, tuy nhiên nếu nâng mức xử phạt lên cao quá thì khó khả thi.

Đa dạng phương thức nộp phạt

Ông Trương Huỳnh Thắng, cán bộ Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính kiến nghị cần đa dạng hóa phương thức nộp phạt VPHC như nộp phạt qua tài khoản ngân hàng.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội

Theo ông Thắng, trường hợp xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khi thực hiện thu nộp tiền qua tài khoản ngân hàng sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian đối với xã hội so với việc thực hiện tại điểm thu phạt bằng tiền mặt, giảm chi phí quản lý đối với cơ quan kho bạc nhà nước, đồng thời cũng nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra đối với việc thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông trực tiếp bằng tiền mặt.

Về quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt VPHC, ông Thắng đề xuất bỏ quy định (tại khoản 9 Điều 12 Dự án Luật): “không được sử dụng tiền thu được xử phạt vi phạm hành chính hoặc từ tang vật, phương tiện tịch thu để hỗ trợ kinh phí cho cơ quan, tổ chức, cá nhân xử lý vi phạm hành chính”. Bởi, việc quản lý, sử dụng tiền thu từ xử lý VPHC để hỗ trợ cho các cơ quan chức năng là phù hợp với đặc thù hoạt động xử lý VPHC, nhất là các ngành xảy ra nhiều vi phạm (như giao thông, an ninh, trật tự, phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại) để bù đắp chi phí phát sinh trong việc xử phạt VPHC, hỗ trợ khuyến khích đối với lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động xử phạt.

Tránh sự xung đột, chồng chéo giữa các văn bản luật

Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên thấy rằng Dự Luật Xử lý VPHC quy định tương đối đầy đủ, cụ thể về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn, thời hiệu, các biện pháp xử phạt VPHC nói chung. Tuy nhiên, theo luật sư Thanh, đối với phần quy định về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cần phải nghiên cứu thêm để quy định một cách rõ ràng, cụ thể hơn, tránh sự xung đột, chồng chéo đối với các quy định của Bộ luật Hình sự về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, các tội phạm và việc áp dụng các biện pháp tư pháp.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 12, Bộ luật hình sự về tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm”.

Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên

Tại khoản 3, Điều 93 của Dự thảo Luật xử lý VPHC quy định về đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng”. Tại khoản 4, Điều 95 quy định về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nhiều lần thực hiện hành vi trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này mà không có nơi cư trú ổn định”.

Tại Điều 138, Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2010 về tội trộm cắp quy định như sau: “Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên…. hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính …. chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…

Theo Luật sư Hà Thị Thanh, quy định này có nghĩa là một người từ đủ 16 tuổi trở lên mà trộm cắp nhiều lần (giá trị 2 triệu) thì vẫn thuộc đối tượng xử lý hình sự, trong khi đó theo quy định tại khoản 3, Điều 93 và khoản 4, Điều 95 của Dự thảo Luật thì người này cũng thuộc đối tượng áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

"Vì vậy sẽ tạo ra tình huống xung đột, chồng chéo quy định dẫn đến vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng. Để khắc phục tình trạng này, Dự thảo Luật Xử lý VPHC nên làm rõ hơn về tính định lượng, thế nào là nhiều lần, thế nào là trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ….", Luật sư Hà Thị Thanh nêu ý kiến.

Phòng Thông tin phản ánh của tổ chức, công dân