In bài viết

Yên Tử ngày Hội xuân

(Chinhphu.vn) - Hằng năm, sau Tết cổ truyền, phật tử, du khách bốn phương lại nô nức hành hương về Yên Tử trẩy Hội xuân.

11/02/2017 16:23

Hàng nghìn phật tử, du khách nô nức hành hương về Yên Tử trẩy Hội xuân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Yên Tử (còn gọi là Bạch Vân Sơn) là một địa danh quan trọng trong bản đồ tâm linh của Việt Nam, cao 1.068 m, được coi là "đất tổ Phật giáo Việt Nam" sau khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành, thành lập dòng Phật giáo đặc trưng Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Năm nay, công tác tổ chức lễ hội có nhiều nét đổi mới nhằm phục vụ du khách về tham quan, vãn cảnh. Cụ thể, bến đỗ xe cho du khách được mở rộng từ 4,6 ha lên đến 12,1 ha.

Dịch vụ xe điện cũng được Ban tổ chức Hội xuân Yên Tử bố trí lên đến 68 xe (tăng 30 chiếc), chia làm 2 chặng với giá vé từ 10.000 đến 15.000 đồng/lượt, tùy theo chặng.

Ngoài ra, năm nay sẽ có thêm dịch vụ vận chuyển trọn gói bao gồm dịch vụ xe điện và dịch vụ cáp treo với giá vé khứ hồi là 300.000 đồng/vé.

Ngoài ra để bảo đảm vệ sinh môi trường, Ban tổ chức đã bố trí hơn 40 người tham gia dọn vệ sinh toàn bộ tuyến đường hành hương. Bên cạnh đó, cắt cử lực lượng giám sát để không xảy ra tình trạng đổi tiền lẻ, hưởng chênh lệch hay bán hàng rong, chèo kéo du khách. Các hàng quán, dịch vụ cũng được Ban tổ chức bố trí đúng quy định, bảo đảm cảnh quan khuôn viên khu di tích và đều niêm yết công khai giá.

Đồng thời, Ban tổ chức đã xây dựng quy chế phối hợp quản lý hoạt động xe taxi và xe ôm tại đây… Công tác an ninh trật tự cũng thường xuyên được tăng cường, bảo đảm an toàn về người và tài sản cho du khách.

Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội xuân Yên Tử được phóng viên ghi lại:

Tượng đồng vua Trần Nhân Tông được dựng tại đỉnh An Kỳ Sinh có chiều cao 15 m, nặng 138 tấn vào năm 2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tảng đá hình người được cho là thạch tích của đạo sĩ An Kỳ Sinh đến đây tu luyện, đạt được trường sinh và hóa đá. Người đời sau gọi ông là An Tử. Đỉnh núi nơi đây gọi là núi An Tử, thời Lê gọi chệch tên đi thành Yên Tử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đoạn đường dài 649 m từ đỉnh An Kỳ Sinh tới chùa Đồng được cho là khó khăn nhất trong toàn bộ chặng đường lên Yên Tử. Rìa đá chìa ra mây núi, gập ghềnh như thử thách lòng người hành hương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chùa Đồng trên ở độ cao 1.068 m so với mực nước biển, là điểm cuối của hành trình lên núi trẩy Hội xuân Yên Tử. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khi màn đêm buông xuống, vẫn có nhiều du khách đang tìm lối lên chùa. Khung cảnh mờ ảo sương mù khiến nơi đây trở nên huyền bí hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Khu vực bảo tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông chìm trong màn sương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Những công nhân vệ sinh môi trường nỗ lực làm việc để bảo đảm vệ sinh môi trường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhật Bắc