Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng
Cho biết phản ứng của Việt Nam về việc gần đây Trung Quốc ban hành lệnh cấm bắt cá ở Biển Đông, chiều 15/5 tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nhấn mạnh: "Lập trường của Việt Nam về lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần."
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với "Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982" (UNCLOS 1982), tôn trọng quyền của các ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trong các vùng biển của Việt Nam và các vùng biển ngoài quyền tài phán quốc gia, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, không có các hành động làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và cũng đã trao công hàm phản đối lệnh cấm đánh bắt cá nói trên.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 8/5 có văn bản gửi các tỉnh, thành phố ven biển về việc Trung Quốc thông báo lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn trên biển.
Theo văn bản do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký, Cục Nông nghiệp nông thôn (thành phố Tam Á, Trung Quốc) thông báo lệnh cấm đánh bắt cá có thời hạn trên biển năm 2025, nhằm áp đặt quy định mùa nghỉ đánh bắt cá trên Biển Đông, thời gian từ 12h ngày 1/5 đến 12h ngày 16/8 tại vùng biển từ vĩ tuyến 12° Bắc đến vĩ tuyến 26°30' Bắc (bao gồm cả vịnh Bắc Bộ).
Trước thông báo của phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định việc Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá có thời hạn tại vùng biển có phạm vi xác định nêu trên đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và không có giá trị.
*Bình luận về tập trận chung của Trung Quốc và Campuchia tại họp báo, Người phát ngôn nói rõ, hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực, cũng như trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Thạch Huệ