Quốc hội thảo luận ở hội trường về nhiều nội dung quan trọng cho 5 năm tới. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Các đại biểu Quốc hội đồng tình với Chính phủ là đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, vùng động lực, vùng khó khăn, khu vực chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh, thiên tai; tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng công khai, minh bạch, khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay như chậm giải ngân vốn hay vấn đề thủ tục...
Theo các đại biểu Quốc hội, bên cạnh việc đầu tư vào những dự án kinh tế trọng điểm, để chuẩn bị cho sự thay đổi trong thời kỳ hậu đại dịch nên chuẩn bị đầu tư cho nguồn nhân lực bởi đây là yếu tố quyết định đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch nói riêng và quá trình xây dựng và phát triển đất nước nói chung.
Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội), nguồn kinh phí phân bổ cho văn hóa, thông tin chiếm tỷ lệ 1,12%, phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và giáo dục nghề nghiệp chiếm tỷ lệ 2,52% nguồn vốn ngân sách nhà nước trong phương án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là chưa tương xứng. Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị: “Đầu tư cho văn hóa là đầu tư không có lợi nhuận đã không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Chúng ta phải coi văn hóa là một bộ phận của nền kinh tế. Văn hóa được đầu tư là ngành kinh tế trọng yếu trong cơ cấu kinh tế của đất nước không chỉ mang lại giá trị bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (là hồn cốt của dân tộc) mà còn mang lại nguồn thu cho ngân sách địa phương”.
Trong phát triển kinh tế, đại biểu Dương Khắc Mai, đoàn Đắk Nông nhận định: “Liên kết, phát triển vùng còn lỏng lẻo một phần do hạ tầng giao thông chưa thuận lợi tạo điều kiện kết nối vùng”. Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn tới cần đẩy mạnh xây dựng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía đông, kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Để thực hiện mục tiêu này, “tôi đề nghị bổ sung bố trí vốn để xây dựng tuyến đường kết nối giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, tạo điều kiện để các vùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh, tạo sự đột phát trong tăng trưởng kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh và an sinh xã hội”, ông Dương Khắc Mai phát biểu.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho rằng việc triển khai đầu tư công trung hạn còn nhiều bất cập. Về thẩm quyền, HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương, dự án nhóm A do địa phương quản lý, cho ý kiến trong quá trình lập kế hoạch đầu tư công trung hạn tại địa phương. Tuy nhiên, HĐND cấp tỉnh chỉ họp mỗi năm 2 kỳ, vì vậy có lúc không xin ý kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vì không trùng với kỳ họp HĐND tỉnh. Vì vậy, Đại biểu An đề nghị Quốc hội có quyết định khắc phục, nghiên cứu sửa Luật Đầu tư công theo hướng thẩm quyền của thường trực HĐND và phải báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Đại biểu Trần Văn Tiến. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nhận xét, trong thời gian qua, đầu tư công đã hạn chế được sự dàn trải, mức vốn phân bổ đã tăng cao so với giai đoạn trước, hoàn thành thanh toán nợ đọng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước, giải ngân cao hơn, số dự án hoàn thành cao, hiệu quả tăng... Tuy nhiên, đại biểu nhận định, vẫn còn những hạn chế, tồn tại như phân cấp phân quyền chưa rõ, trình tự thủ tục đầu tư công còn phức tạp, chi đầu tư từ ngân sách Trung ương chưa giữ vai trò chủ đạo, tiến độ một số dự án trọng điểm còn chậm...
Đại biểu đồng tình với phương án đầu tư công giai đoạn 2021-2025 Chính phủ trình, bố trí đủ vốn cho dự án trọng điểm quốc gia và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, cần tập trung hoàn thiện thể chế đầu tư công, tăng cường phân cấp phân quyền gắn với trách nhiệm trong đầu tư công, khắc phục giải ngân chậm, thanh toán dứt điểm và thu hồi toàn bộ vốn ứng trước, đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP.
Cần xử lý nghiêm vi phạm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) chỉ ra, bên cạnh các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Đầu tư công, vẫn còn một số nơi chưa thực hiện đúng quy trình, chưa tuân thủ đúng trật tự ưu tiên.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Dẫn chứng là tháng 2/2020, một số dự án đã được phân bổ nguồn lực dự phòng xuất phát từ tính “cấp bách”, nhưng cũng chính các dự án đó chỉ sau 6 tháng khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn đã không còn “cấp bách”.
“Điều này cho thấy, nhiều khi việc xây dựng danh mục dự án không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà xuất phát từ ý muốn chủ quan”, nữ đại biểu nhận xét.
Dẫn chứng nữa được đại biểu đoàn TP. Hà Nội đưa ra là trong tổng số 3.476 dự án diện chuyển tiếp, có hơn 1.000 dự án chưa có phương án phân bổ cụ thể. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy lãng phí nguồn lực, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, đặc biệt là tạo áp lực ngân sách khi rất nhiều dự án mới được bổ sung.
“Vốn đầu tư công phải được hiểu là tiền thuế của nhân dân, kể cả vốn đi vay thì người trả cũng sẽ là nhân dân, đó không phải là sở hữu của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào. Tuy nhiên, có những cá nhân khi được giao nhiệm vụ phân bổ vốn đã tự cho mình quyền ban phát và câu chuyện về cơ chế xin-cho không biết khi nào mới kết thúc”, bà Vũ Thị Lưu Mai nói và đánh giá cao việc Thủ tướng đã kịp thời chấn chỉnh một số địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn cần hết sức lưu tâm trong thời gian tới.
Nữ đại biểu kiến nghị, cần đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh động viên những địa phương thực hiện tốt cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống pháp luật về kinh tế. “Trường hợp thực sự có những hạn chế thì cần đề xuất phương án kịp thời sửa đổi. Còn trường hợp những hạn chế do tổ chức thực hiện thì cân nhắc để đánh giá, tránh gây ra những nghi ngại đối với hệ thống pháp luật”, đại biểu nêu.
Hải Liên