Rà từng trường hợp, bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa

19/01/2022 3:27 PM

(Chinhphu.vn) – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các quận, huyện, thị xã cần bổ sung thêm các trạm y tế lưu động cho địa bàn “nóng”; các túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; rà từng trường hợp tiêm vét để bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa…

Rà từng trường hợp, bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Diệu Anh

Ngày 19/1, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ đã đồng chủ trì phiên họp giao ban trực tuyến với các quận, huyện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trung bình từ ngày 13-18/1, Hà Nội ghi nhận 2.941 ca mắc/ngày. Số lượng ca mắc đang có xu hướng tăng như đã nhận định và có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tiếp theo. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỉ lệ bệnh nhân nặng, bệnh nhân tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát.

Thành phố hiện đang điều trị 62.410 người, gồm 361 người tại bệnh viện Trung ương  và 62.049 người thuộc các tầng quản lý, điều trị. Trong đó, tầng nhẹ là 59.150 người (tỉ lệ 95,33%); tầng 2 là 2.263 người (tỉ lệ 3,65%); tầng 3 là 636 người (tỉ lệ 1,02%).

Chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị các bệnh nhân F0 thể nặng tại bệnh viện và các F0 thể nhẹ tại nhà, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hiện nay chúng ta cần xác định đích đến là "3 không" (không nhiễm, nếu nhiễm không chuyển nặng và nếu chuyển nặng không tử vong), nếu làm được thì COVID-19 sẽ không còn là đại dịch.

Để thực hiện được "3 không", các địa phương của TP. Hà Nội cần thực hiện 5 giải pháp như: Giảm lây nhiễm để kiềm chế những ca mắc mới, trong đó người dân cần thực hiện nghiêm "5K", khai báo một cách thân thiện; có thể không dùng thuật ngữ F0-F1 mà thay bằng người nhiễm và người tiếp xúc gần. Tiêm phủ vaccine cho 100% dân số (gồm cả người cao tuổi và có bệnh nền) để giảm chuyển nặng, giảm tử vong; chăm sóc người nhiễm tại cơ sở; đồng thời tăng cường trạm y tế lưu động cấp phường, xã; kịp thời đưa các ca chuyển nặng tới bệnh viện, phải có sự điều phối, sơ đồ hóa để chuyển người bệnh chuyển nặng khi cần thiết. Cuối cùng là phải tăng cường năng lực của các bệnh viện trong công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.

Nếu cơ sở chủ động, sâu sát hơn thì tình hình dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa

Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá tình hình dịch trong thời gian qua đều nằm trong dự báo và "chúng ta về cơ bản đều kiểm soát được dịch bệnh". Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thành ủy, nếu cơ sở có sự chủ động, sâu sát hơn thì việc kiểm soát tình hình dịch bệnh sẽ tốt hơn nữa.

Dự báo dịp Tết Nguyên đán này tình hình dịch bệnh tiếp tục có nhiều phức tạp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị lãnh đạo các quận, huyện bám sát tình hình thực tế; quyết liệt trong chỉ đạo điều hành. Lấy ví dụ về nhiệm vụ tiêm vét vaccine phòng COVID-19 tại các địa phương, Phó Bí thư Thành ủy chỉ rõ, do nhận thức và sự quyết liệt của lãnh đạo từng cơ sở khác nhau nên tới nay có những địa phương làm rất tốt, ngược lại nhiều đơn vị dậm chân tại chỗ.

"Thành phố cũng sẽ thông qua kênh thông tin từ các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà để đánh giá hiệu quả chỉ đạo điều hành của chính quyền địa phương", Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu các quận, huyện, thị xã tới xã, phường, thị trấn cần xây dựng kịch bản rất cụ thể trong những ngày Tết, phù hợp và bám sát diễn biến tình hình thực tế, tránh bỏ sót bệnh nhân COVID-19 và không để các trường hợp này thiếu thuốc. Các quận, huyện rà lại lực lượng, phối hợp với ngành y tế, nếu cần thiết huy động sinh viên các trường đại học cao đẳng để bổ sung kịp thời trong thời điểm Tết.

Đồng thời yêu cầu các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở điều trị bệnh nhân; nâng công suất tổng đài 1022 trong những ngày Tết. Sau Tết, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng phương án đưa học sinh lớp 7 trở lên trở lại trường và chuẩn bị các kịch bản ứng phó... "Phải tập trung cao độ lãnh đạo, chỉ đạo, tránh bị động bất ngờ", Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Điều phối công việc phải cụ thể sát tình hình

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh khẳng định: "Sau hơn 3 tháng triển khai tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát COVID-19 hiệu quả, Thành ủy, UBND Thành phố, các sở ban ngành đã tập trung hoạch định, tháo gỡ khó khăn là chính. Cấp cơ sở đã nỗ lực căng mình trong suốt thời gian qua thực hiện 4 tại chỗ. Thành phố gửi lời cảm ơn đến đóng góp không ngừng nghỉ của các đồng chí. Đến nay chúng ta vẫn tự tin kiểm soát tốt dịch bệnh".

Nhắc đến việc diễn biến dịch bệnh không có tiền lệ, hệ thống cũng cần phải điều chỉnh liên tục, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị: "Cần quyết tâm, điều phối công việc phải cụ thể sát tình hình".

Với các quận, huyện, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu phải rốt ráo với từng số liệu cụ thể trong quản lý rủi ro như số chuyển tầng số tiêm vét, số bệnh nhân nặng… Các quận, huyện, thị xã phải chỉ  đạo đến từng xã, phường, thị trấn có ngay danh sách ứng trực từ tổ thông tin đến hỗ trợ điều trị F0 tại nhà kèm số điện thoại, số đường dây nóng để báo cáo Thành phố; danh sách người trong diện tiêm vét.

Đồng thời, đề nghị các quận, huyện, thị xã cần bổ sung thêm các trạm y tế lưu động cho địa bàn "nóng"; các túi thuốc cho bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà; rà từng trường hợp tiêm vét để bảo đảm số người được tiêm phải là tối đa…

Chủ tịch UBND Thành phố nhắc đến việc ở Ba Đình có phường thành lập trạm y tế online và  đề nghị cấp cơ sở tiếp tục có thêm nhiều kênh thông tin đa dạng để tiếp nhận, chăm sóc kịp thời cho người dân.

Các sở, ngành cũng phải có ngay kịch bản, phương án chi tiết để tăng cường cho hệ thống phòng, chống dịch từ y tế cơ sở đến bổ sung nhân lực cho các tổng đài ở địa bàn đông dân…

Các ngành còn vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch như tạm ứng chi công tác phòng, chống dịch cho các bệnh viện, đơn giá dịch vụ thu gom rác thải y tế; phương án cho học sinh từ lớp 7 trở lên đi học trở lại sau Tết, diễn tập trước tết để triển khai hiệu quả và an toàn…

Diệu Anh

Top