Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh họa |
Các Công ty TNHH MTV do nhà nước làm chủ sở hữu được huy động vốn cho dự án BOT vượt quá 3 lần vốn điều lệ của Công ty, trên cơ sở dự án huy động vốn có hiệu quả và được chủ sở hữu xem xét, quyết định theo đúng quy định. Chủ sở hữu có trách nhiệm thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp theo dõi và giám sát theo quy định.
Phương án tài chính của các Hợp đồng BOT được tính toán trên cơ sở khống chế thời gian hoàn vốn dưới 25 năm. Thời gian hoàn vốn của từng dự án được xác định thông qua đàm phán giữa Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và Nhà đầu tư, trên cơ sở bảo đảm lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, hiệu quả tài chính của dự án.
Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ lưu ý, việc chỉ định nhà thầu; lập và thẩm định dự toán công trình; tiết kiệm 5% giá dự toán; lãi suất phần vốn ứng trước của các doanh nghiệp được thực hiện theo Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 21/2/2012 và số 193/TB-VPCP ngày 14/5/2013 của Văn phòng Chính phủ.
Dùng ngân sách địa phương để xây khu tái định cư
Trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương liên quan chịu trách nhiệm sử dụng vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng theo quy định.
Đối với một số địa phương thực sự khó khăn, không thể cân đối được nguồn vốn xây dựng khu tái định cư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp nhu cầu vốn để hỗ trợ một phần cho các địa phương, đồng thời đề xuất nguồn vốn hỗ trợ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý về nguyên tắc việc thành lập Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các địa phương. Tùy theo yêu cầu cụ thể, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có liên quan thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện, bảo đảm tiến độ giải phóng mặt bằng.
Phương Hiển