Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo, công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang phải đảm bảo các nguyên tắc sau: 1- Bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối; 2- Bảo đảm tiêu chuẩn chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định; 3- Bảo đảm bí mật kế hoạch bảo đảm an ninh cho đối tượng chuyên cơ; chuyên khoang theo quy định của pháp luật; 4- Bảo đảm nghi lễ đón, tiễn chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang theo quy định.
Theo dự thảo, đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam gồm: 1- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; 2- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 3- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 4- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; 5- Các đối tượng khác gồm: Người đứng đầu Đảng cầm quyền đồng thời là Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức; Nguyên thủ quốc gia thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức; người đứng đầu Chính phủ thực hiện chuyến thăm chính thức; Chủ tịch Quốc hội thăm chính thức Việt Nam.
Dự thảo nêu rõ, doanh nghiệp nhận đặt hàng thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các hãng hàng không của Việt Nam có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Đơn vị được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam là các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Dự thảo nêu rõ, cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam gồm: Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ; Văn phòng Quốc hội; Ban Đối ngoại Trung ương Đảng.
Thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam được thực hiện bằng văn bản gồm có các nội dung sau: Đối tượng được phục vụ và số lượng, thành phần đoàn; hành trình chuyến bay; hãng hàng không của Việt Nam hoặc đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng được đặt hàng hoặc giao thực hiện chuyến bay; yêu cầu về nghi lễ đón, tiễn; yêu cầu về bảo đảm an ninh, quốc phòng và các yêu cầu cụ thể khác.
Thời hạn gửi văn bản thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang của Việt Nam được đề xuất như sau: Đối với các chuyến bay chuyên cơ: tối thiểu 5 ngày trước ngày dự định thực hiện đối với bay nội địa, tối thiểu 10 ngày trước ngày dự định thực hiện đối với bay quốc tế; đối với các chuyến bay chuyên khoang: tối thiểu 24 giờ trước giờ dự định cất cánh đối với bay nội địa, tối thiểu 5 ngày trước ngày dự định thực hiện đối với bay quốc tế; đối với chuyến bay chuyên cơ do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện: Bộ Quốc phòng chủ động sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về thời gian.
Dự thảo nêu rõ, thông báo chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang được coi là hình thức giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng hoặc đặt hàng đối với các hãng hàng không của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn tàu bay, nhân viên hàng không; quy trình quản lý, thực hiện, điều hành và các công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay chuyên cơ, chuyên khoang do hãng hàng không của Việt Nam thực hiện và quy trình phục vụ chuyến bay chuyên cơ của nước ngoài bay đến, bay đi hoặc bay trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; quy định giá đặt hàng chuyến bay chuyên cơ sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ sở giá tối đa theo giờ bay cho tàu bay chính thức (có tính đến yếu tố tàu bay dự bị) do Bộ Tài chính quy định. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn tàu bay, tổ bay; quy định các công tác bảo đảm cần thiết khác phục vụ chuyến bay chuyên cơ do đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện; quy định về công tác phối hợp hiệp đồng quản lý, bảo vệ các chuyến bay chuyên cơ hoạt động trong vùng trời Việt Nam và vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý; quy định đơn giá thực hiện kế hoạch chuyến bay chuyên cơ sử dụng ngân sách nhà nước trên cơ sở giá tối đa do Bộ Tài chính quy định...
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.