Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo dự thảo này, tổ chức Thanh tra lao động, người có công và xã hội gồm có các cơ quan thanh tra nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Trong đó, cơ quan thanh tra nhà nước ở trung ương là Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ở địa phương là Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hai cơ quan này có con dấu và tài khoản riêng.
Còn thanh tra chuyên ngành được tổ chức ở 2 cơ quan thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Tổng cục Dạy nghề và Cục Quản lý Lao động ngoài nước.
Trong đó, Tổng cục Dạy nghề được thành lập Vụ Thanh tra giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về dạy nghề.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước được thành lập Phòng Thanh tra giúp Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thanh tra lao động, người có công và xã hội là tổ chức thanh tra thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội; giúp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người có công và xã hội thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực: lao động; việc làm; tiền lương;... |
Về hoạt động thanh tra, dự thảo quy định rõ: Hoạt động thanh tra lao động, người có công và xã hội gồm có thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.
Trong đó, thanh tra hành chính có nhiệm vụ thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thanh tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra.
Còn thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thuộc 10 lĩnh vực: 1. Lao động, việc làm, tiền lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động; 2. Bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp); 3. Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 4. Dạy nghề; 5. Chính sách đối với người có công với cách mạng; 6. Bảo trợ xã hội; 7. Bảo vệ, chăm sóc trẻ em; 8. Bình đẳng giới; 9. Phòng chống tệ tạn xã hội, bảo trợ xã hội; 10. Các nội dung khác liên quan đến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Ngoài ra, thanh tra lao động, người có công và xã hội còn thực hiện hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,...
Hiện nay, dự thảo đang được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội đăng tải lấy ý kiến nhân dân.