Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc đầy đủ các điều kiện về tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân, tình trạng tài sản của bị can, bị cáo; trên cơ sở bảo đảm hiệu quả ngăn chặn để quyết định việc áp dụng biện pháp đặt tiền bảo đảm thay thế cho biện pháp tạm giam.
Thông tư quy định, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm khi có đủ các điều kiện sau: Bị can, bị cáo phạm tội lần đầu; có nơi cư trú rõ ràng; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Bị can, bị cáo có khả năng về tài chính để đặt bảo đảm theo quy định; Có căn cứ xác định, sau khi được tại ngoại, bị can, bị cáo sẽ có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng và không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử; Việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự.
Không dưới 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng
Thông tư cũng nêu rõ, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và khả năng tài chính của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án quyết định mức tiền cụ thể mà bị can, bị cáo phải đặt để bảo đảm, nhưng không dưới: 20 triệu đồng đối với tội phạm ít nghiêm trọng; 80 triệu đồng đối với tội phạm nghiêm trọng; 200 triệu đồng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, có thể quyết định mức tiền phải đặt để bảo đảm thấp hơn nhưng không dưới 1/2 mức tương ứng quy định trên trong trường hợp: Bị can, bị cáo thuộc hộ nghèo hoặc có điều kiện kinh tế khó khăn; Bị can, bị cáo là thương binh, bệnh binh, là người được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân...; Bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần.
Thông tư liên tịch này có hiệu lực từ ngày 15/1/2014.
Chi Xuân