Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Việc thu thuế hoạt động bán hàng trên Facebook là cần thiết, nhưng không dễ thực hiện. - Ảnh minh họa |
Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, hoạt động thương mại điện tử hiện nay rất mạnh, có khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém. Đặc biệt hoạt động bán hàng qua facebook hầu như chưa thu được thuế.
Ông Phạm Thành Kiên đề xuất UBND TPHCM phải làm việc trực tiếp với Facebook để quản lý nguồn thu. Các phòng chức năng của Cục thuế TPHCM sẽ rà soát các tài khoản của tổ chức và cá nhân có kinh doanh trên Facebook vì bất cứ cửa hàng online nào cũng đều có thông tin tài khoản ngân hàng để giao dịch. Sắp tới, ngân hàng có thể sẽ lọc những số tài khoản này, cung cấp cho ngành thuế, tức là nhiều cơ quan chức năng sẽ cùng phối hợp để tìm mọi cách giải bài toán thất thu thuế.
Trên thực tế, đến năm 2015, doanh thu từ thương mại điện tử tại Việt Nam đã đạt 4,07 tỷ USD, tăng gấp 5 lần so với năm 2012. Cơ quan quản lý đã đặt mục tiêu đến năm 2020, thương mại điện tử bán lẻ đạt 10 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Với sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ mảnh đất tốt của ngành bán lẻ Việt Nam trong tương lai.
Theo một thống kê, có đến 35% doanh nghiệp, hàng triệu cá nhân, hộ kinh doanh đang bán hàng trên Facebook với doanh thu cả tỷ đồng nhưng không nộp thuế. Đây là điều không công bằng với người nộp thuế, bởi hiện nay, nhiều người bán quán ăn, quần áo cũng phải đóng thuế.
Chuyên gia kinh tế, TS. LS Bùi Quang Tín (khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM) cho biết, Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử không quy định cụ thể về việc nộp thuế của người bán hàng trên mạng xã hội nhưng Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã quy định: “Người bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tửphải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, Thông tư số 47 và Nghị định số 52 vẫn chưa theo kịp với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhất là những mạng được đăng ký thành lập và hoạt động ở nước ngoài
Bởi theo Thông tư 47 nêu rõ, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.
Khi đó, người muốn thiết lập một gian hàng để tiến hành bán hàng trên Facebook thì phải tuân thủ quy định tại Điều 37, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Như vậy, chỉ những mạng xã hội được đăng ký thành lập, hoạt động ở Việt Nam thì mới là đối tượng quản lý của Nghị định 52/2013 của Chính phủ và Thông tư 47 về thương mại điện tử.
Ôngg Bùi Quang Tín cho rằng, để đánh thuế được người bán hàng trên Facebook thì những thương nhân, tổ chức nước ngoài, các chủ trang mạng xã hội nước ngoài phải có sự hiện diện tại Việt Nam, như việc có văn phòng đại diện, có chi nhánh hoạt động ở Việt Nam hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam, đuôi .vn thì mới thuộc đối tượng quản lý của các văn bản trên.
Do đó, để thu được thuế từ những người bán hàng trên Facebook thì phía Việt Nam phải làm việc với bên Facebook để họ thực hiện sự hiện diện hợp pháp tại Việt Nam theo các hình thức trên.
Theo TS, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, tại các nước phát triển, tất cả thu nhập đều phải kê khai và nộp thuế. Việc cơ quan chức năng đặt vấn đề nên thu thuế với bán hàng qua mạng xã hội, có ý kiến cho rằng nên áp dụng như với hộ kinh doanh cá thể, tức doanh thu trên 100 triệu đồng mới phải kê khai, nộp thuế.
Theo ông Hiếu, mức này là hợp lý. Cần quy định tất cả cá nhân kinh doanh qua Facebook đều phải kê khai, đến mức nhất định mới phải nộp thuế. Mục đích là để từng bước kiểm soát được nguồn thu. Giao dịch trên mạng rất khó kiểm soát nên phải thực hiện từng bước.
Còn ông Bùi Quang Tín cho rằng, với hàng triệu tài khoản Facebook, trong giai đoạn đầu chỉ nên nhắm đến những người kinh doanh lớn, chuyên nghiệp, chứ không nên đặt mục tiêu thu thuế tất cả đối tượng vì nhiều người kinh doanh như nghề tay trái, thậm chí thời vụ. Nếu đặt mục tiêu kiểm soát hết thì sẽ mất nhiều nguồn lực và không hiệu quả.
Nhiều ý kiến cho rằng, đánh thuế người bán nhỏ lẻ trên mạng xã hội dễ bị nói là tận thu. Cần có quy định rõ ràng, bởi nếu đặt ra mà không thu được, hoặc chỉ “nắm người có tóc” lại tạo ra không công bằng thì không nên làm.
Theo các chuyên gia, việc thu thuế các hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng nói chung là cần thiết và đúng đắn. Nhưng đây là nhiệm vụ rất khó, nhất là ở buổi ban đầu. Cần lưu ý rằng, ở những nền kinh tế phát triển bền vững, nhà chức trách không bao giờ tận thu mà chỉ thu đúng, thu đủ và biết nuôi dưỡng nguồn thu.
Thực trạng khó quản lý nguồn thu của những người kinh doanh mạng còn là một hệ quả của bối cảnh Việt Nam có tỉ lệ giao dịch không bằng tiền mặt cực thấp. Việc truy thu thuế bằng cách yêu cầu các hệ thống ngân hàng cung cấp thông tin giao dịch càng khiến cho người ta ngại sử dụng thanh toán qua thẻ, qua ngân hàng. Tình hình này sẽ không phải đặt ra nếu quyết liệt áp dụng thanh toán không bằng tiền mặt.
Thanh Hằng