Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Nhiều ý kiến cho rằng thủ tục kiểm tra formaldehyt đang tạo ra gánh nặng với doanh nghiệp. |
Việc kiểm tra phiền hà, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, cơ quan quản lý mất nhiều công sức, nhưng kết quả lại không đáng kể. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, tỷ lệ các trường hợp không đạt hàm lượng quy định vô cùng nhỏ, chỉ dưới 1%. Hơn nữa, khi mua hàng trên thị trường, người tiêu dùng cũng không thể nhận biết được sản phẩm mình dùng đã an toàn hay chưa bởi không có dấu hiệu để nhận diện.
Trước tình hình này, tại Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32 theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sau rất nhiều lần tham vấn ý kiến doanh nghiệp và các chuyên gia, cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 37/2015/TT-BCT thay thế Thông tư 32. Thế nhưng, theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Thông tư mới này không giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp, thậm chí có mặt còn phiền hà hơn cả so với Thông tư cũ.
Sửa nhưng… không có ý nghĩa
Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cho biết từ khi thực hiện Thông tư 32/2009/TT-BCT đến nay, mỗi năm có khoảng 8.000 lô hàng làm thủ tục nhập khẩu tại đơn vị phải kiểm tra hàm lượng formaldehyt, nhưng chỉ có 6 trường hợp (0,0125%) không đáp ứng hàm lượng quy định. |
Cụ thể, ngoài hình thức kiểm tra thông thường, Thông tư 37 có quy định hình thức kiểm tra giảm, áp dụng với sản phẩm dệt may nhập khẩu cùng một mặt hàng, mã hàng do cùng một nhà sản xuất cung cấp, sau 3 lần kiểm tra chất lượng liên tiếp các lô hàng đều đáp ứng yêu cầu.
Thế nhưng, Thông tư lại không quy định rõ doanh nghiệp sẽ được giảm như thế nào, giảm còn bao nhiêu lần trong bao lâu. Quy định chung chung có thể dẫn đến tình trạng cán bộ áp dụng tùy tiện, “ban phát” cho doanh nghiệp. “Quy định giảm như vậy không có ý nghĩa”, bà Nguyễn Minh Thảo nói.
Liên quan đến vấn đề này, Thông tư cũng quy định: “Trường hợp kiểm tra giảm, tổ chức cá nhân nhập khẩu thuộc doanh nghiệp được ưu tiên theo quy định tại Điều 8 và Điều 23 Thông tư số 38/2015/TT-BTC được đưa hàng về kho bảo quản. Khi có kết quả kiểm tra nhà nước sẽ tiến hành làm thủ tục thông quan chính thức”.
“Giảm thì phải bớt kiểm tra, sao lại phải đợi kết quả kiểm tra mới được thông quan? Vậy giảm ở đây được hiểu như thế nào, giảm số lượng mẫu hay giảm số lần kiểm tra?”, bà Thảo tiếp tục chỉ ra điểm chưa rõ ràng của Thông tư.
Thông tư 37 cũng cho phép một số trường hợp được kiểm tra hồ sơ, nhưng lại liệt kê thêm một số trường hợp mà trước kia không thuộc diện kiểm tra, chẳng hạn như vải nhập khẩu phục vụ gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Theo bà Thảo, quy định này hoàn toàn không cần thiết, bởi các sản phẩm này không tiêu thụ trong nước. Hơn nữa, chính các doanh nghiệp còn quan tâm hơn đến việc bảo đảm hàm lượng formaldehyt theo chuẩn, bởi chính các đối tác nhập khẩu yêu cầu như vậy và họ sẽ kiểm tra. Nguyên liệu của hoạt động này cũng do các công ty nước ngoài cung cấp, doanh nghiệp Việt Nam chỉ phải gia công, sau đó xuất đi.
Giường, đệm, ghế… cũng bị kiểm tra
Ngoài ra, Thông tư còn có nhiều quy định khiến số mẫu phải lấy tăng lên rất nhiều. Chẳng hạn với vải thì cứ mỗi màu, mỗi loại phải lấy 1 mẫu, trong khi theo bà Thảo, việc lấy mẫu theo màu không có ý nghĩa.
Thậm chí, ngay cả các chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí bằng da tổng hợp trên sản phẩm may và sản phẩm đặc thù có bề mặt bằng vật liệu dệt đã gắn vào sản phẩm như thảm, rèm, đệm giường, đệm sofa, ghế… cũng bị kiểm tra.
“Nếu doanh nghiệp không có mẫu vật liệu, chi tiết phụ kiện, chi tiết trang trí do nhà sản xuất cung cấp kèm theo văn bản xác nhận (bản chính có đóng dấu và chữ ký của đại diện nhà sản xuất hoặc bên bán hàng) các mẫu được lấy là vật liệu dùng để sản xuất các sản phẩm trên, thì phải cắt chi tiết đó trên sản phẩm cho họ kiểm tra”, bà Thảo cho biết.
Một điểm không rõ ràng khác trong Thông tư là quy định “Không quá 01 (một) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan kiểm tra được ủy quyền thông báo kế hoạch lấy mẫu cho tổ chức, cá nhân nhập khẩu”. Bà Thảo cho rằng, quy định này có vẻ cụ thể, nhưng đây chỉ là khâu “thông báo kế hoạch lấy mẫu”, chứ không có quy định bao lâu sau khi thông báo thì cơ quan kiểm tra sẽ phải lấy mẫu, sau 1 ngày, 2 ngày hay 10 ngày?
“Vì đây là dịch vụ nên có thể họ làm cũng ngắn thôi, nhưng cũng không loại trừ khả năng họ kéo dài, kết quả là doanh nghiệp sẽ phải gửi hàng ngoài kho rất lâu và “chết” tiền lưu kho, lưu bãi”, bà Thảo phân tích.
Không đạt yêu cầu của Chính phủ?
Đánh giá tổng thể, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết Thông tư 37 không có nhiều thay đổi so với Thông tư 32, trong khi nhiều thay đổi lại có vấn đề như đã phân tích. “Việc sửa đổi không đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19”, bà Thảo khẳng định.
Nghị quyết 19 của Chính phủ đã chỉ rõ hướng sửa đổi Thông tư 32, đó là miễn kiểm tra đối với nguyên liệu sản xuất, sản phẩm trung gian, sản phẩm khuyến mại nhỏ, sản phẩm quen thuộc đã được nhập khẩu nhiều lần và đã kiểm tra chất lượng với số lần tương ứng, sản phẩm nhập khẩu từ khu vực có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn hoặc có thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm có xác nhận, chứng nhận (của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nhà sản xuất có uy tín) đạt chất lượng cao.
Chính phủ cũng yêu cầu việc đăng ký và trả kết quả kiểm tra hàm lượng formaldehyt phải được tiến hành qua mạng thông tin điện tử để giảm thiểu và đơn giản hóa thủ tục cho doanh nghiệp. Đồng thời, với quản lý chuyên ngành nói chung, trong đó có thủ tục kiểm tra formaldehyt, phải cải cách toàn diện để phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.
Hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó yêu cầu áp dụng phương pháp quản lỷ rủi ro, như kiểm tra xác suất hoặc kiểm tra sau thông quan với hàng hóa có độ rủi ro thấp, hàng hóa có xuất xứ từ các nước công nghiệp phát triển, hoặc hàng hóa của doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật. Những điểm này không được thể hiện trong Thông tư.
“Cá nhân tôi thấy rất thất vọng. Các doanh nghiệp đã kiến nghị, theo đuổi suốt 6 năm qua vì quy định tạm thời của Bộ Công Thương trong Thông tư 32. Theo tôi được biết, có những doanh nghiệp mỗi năm mất tới 6 tỷ đồng để làm thủ tục này, nếu nhân lên với số lượng doanh nghiệp dệt may của Việt Nam thì không biết chi phí là bao nhiêu. Đó là chưa kể các doanh nghiệp thương mại nhập về để phân phối”, bà Thảo nói.
“Các đơn vị được ủy quyền kiểm tra đã không ít lần kêu ca là bị quá tải, thế nhưng tại sao cơ quan quản lý không chịu áp dụng quản lý rủi ro? Tôi có cảm giác rằng trong trường hợp này, Bộ Công Thương chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm. Thông tư 32 đã được sửa, nhưng không giải quyết được vướng mắc của doanh nghiệp. Trong khi, phải nói rằng các doanh nghiệp dệt may rất kỳ vọng vào việc sửa đổi này”, bà Thảo khẳng định.
Hà Chính