Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Ảnh minh hoạ |
Lợi ích của việc tạo thuận lợi thương mại là rất rõ ràng và theo tính toán của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu thực hiện đầy đủ các cam kết theo Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới, có thể giúp giảm tới 18,3% chi phí thương mại của Việt Nam.
Còn nếu giảm 1 ngày thực hiện thủ tục giao dịch thương mại qua biên giới thì nền kinh tế tiết kiệm tương đương khoảng 1% tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu trong một năm.
Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng, cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh đã có chuyển biến rất tích cực. Đến nay, các Bộ đã trình ban hành và ban hành được 21 văn bản trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, đã cắt giảm, đơn giản hóa 6.776/9.926 dòng hàng phải kiểm tra (tương đương 68,2% tổng số điều kiện, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ) và 30 thủ tục (đạt 50% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Kết quả đạt được cụ thể của các Bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội đã đơn giản hóa, cắt giảm 33/33 dòng hàng; Khoa học và Công nghệ (22/24); Công Thương (402/702); Thông tin và Truyền thông (89/146); Xây dựng (33/64); Giao thông vận tải (80/134 dòng hàng và đơn giản 07 thủ tục); Tài nguyên và Môi trường (38/74); Văn hóa, Thể thao và Du lịch (cắt giảm, đơn giản 51/171 dòng hàng và đơn giản hóa 9/10 thủ tục).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đơn giản, cắt giảm 5.898 dòng hàng; Bộ Y tế đã bãi bỏ 01 mặt hàng với 05 dòng hàng thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; 810 dòng hàng của 04 mặt hàng còn lại đã áp dụng theo hình thức kiểm tra giảm (95% số lô hàng sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành).
Nhiều văn bản được sửa đổi, ban hành mới theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, thay đổi phương thức kiểm tra, áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, nhiều mặt hàng đã được chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan, tăng đối tượng được miễn kiểm tra, minh bạch hóa danh mục hàng hóa kèm mã số HS, bãi bỏ những quy định không phù hợp.
Tuy nhiên, trong Diễn đàn “Hội nhập kinh tế quốc tế: Tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh”, diễn ra ngày 8/11, tại TPHCM, nhiều chuyên gia nhận định các mục tiêu tạo thuận lợi thương mại của Chính phủ trong năm 2018 theo Nghị quyết 19-2018/NQ-CP vẫn gặp rất nhiều thách thức.
Điển hình như mục tiêu đến cuối năm 2018, thời gian thực hiện thủ tục đối với hàng hóa xuất khẩu là 70 giờ là khó khả thi khi thời gian thực hiện hiện nay đang là 105 giờ, tương tự thời gian làm thủ tục với hàng hóa nhập khẩu đang là 132 giờ, trong khi mục tiêu đến cuối năm 2018 là 90 giờ.
Hiện nay 19,4% các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan và rất khó để giảm xuống dưới 10% vào cuối năm nay.
Để tạo thuận lợi thương mại đi vào thực chất, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Anh Dương (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, cần tiếp tục giải quyết các vấn đề kiểm tra chuyên ngành theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ phương thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời, phải xóa bỏ căn bản sự chồng chéo, một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra của nhiều cơ quan.
Do vậy, các bộ, ngành phải nghiêm túc thực hiện việc kết nối các thủ tục hành chính với NWS, không để tình trạng vừa làm thủ tục điện tử vừa yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ giấy.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chủ động tận dụng các điều kiện tạo thuận lợi thương mại thông qua việc nắm bắt và thực hiện đúng, đủ các chính sách quản lý với hàng hóa xuất nhập khẩu trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần kịp thời phản ánh những khó khăn, bất cập trong thực hiện các thủ tục hành chính và tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cơ chế đối thoại chính là giải pháp hiệu quả trong việc hài hòa các mục tiêu quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp.
PN (Tổng hợp)