• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Đất nước cần một động lực mới mạnh mẽ hơn nữa

(Chinhphu.vn) - Sau 30 năm đổi mới, đất nước cần một động lực mới mạnh mẽ hơn để phát triển. Đất nước không thể phát triển mạnh mẽ nếu như chúng ta vẫn quản trị, điều hành giống như mấy chục năm vừa qua.

21/01/2016 08:19
Ông Hồ Quang Lợi. Ảnh: VGP/Phương Liên
Đó là quan điểm của Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ.

Ba mươi năm trước trong khi đất nước còn rất khó khăn, Đại hội Đảng VI đã là đại hội của đổi mới. Sau 30 năm, giờ đây đất nước cũng đang đứng trước những khó khăn của tình hình thế giới bất ổn, kinh tế vẫn chưa hồi phục… Ông có kỳ vọng gì về một đại hội với những vận hội mới cho đất nước?

Đúng quả thực 30 năm trước, đất nước ta bị lâm vào cuộc khủng hoảng hết sức sâu sắc, đến mức “đổi mới” có ý nghĩa sống còn, đổi mới trở thành một mệnh lệnh của cuộc sống. Đổi mới sống còn với vận mệnh đất nước và sống còn với cả vai trò của Đảng. Đảng lãnh đạo đất nước, Đảng phải lãnh đạo nhân dân vượt qua được tình thế hiểm nghèo đó. Đổi mới trở thành một cuộc cách mạng thật sự. Cũng có thể nói, đó thực sự là một cuộc “vượt cạn” trong thời bình của Việt Nam.

Cả đất nước trong thời điểm đó long đong chạy ăn từng bữa, lãnh đạo đất nước hằng ngày phải nhìn vào kho dự trữ lương thực xem còn bao nhiêu, người dân thì nhìn vào hũ gạo gia đình. Đấy là chưa kể chúng ta phải đương đầu với sự chống phá của các thế lực thù địch từ bên ngoài, mà gay go và gian nan nhất là cuộc cấm vận kéo dài, rồi các cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Bắc và Tây Nam.

Khi chúng ta mới đổi mới được vài năm, toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Thậm chí đã có người nghĩ đến ngày “đắm thuyền” của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Nhưng chúng ta đã không sụp đổ vì chúng ta có Đảng lãnh đạo, nhân dân đoàn kết xung quanh Đảng và giữ vững niềm tin vào Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là người khởi xướng, người lãnh đạo, người chèo lái công cuộc đổi mới. Bản lĩnh và trí tuệ của Đảng ta thể hiện không chỉ ở quyết định tiến hành đổi mới mà còn là chọn bước đi và nhịp độ của công cuộc đổi mới. Chúng ta đã không làm cuộc thí nghiệm trên lưng nhân dân, trên vận mệnh của đất nước. Chúng ta đổi mới trước hết trên lĩnh vực kinh tế, để lo cái ăn, cái mặc, lo những nhu cầu thiết yếu cho người dân, trước mắt là đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế. Ở các nước Đông Âu và Liên Xô, cải tổ chính trị đã dẫn đến hậu quả Đảng cộng sản mất vai trò lãnh đạo. Còn Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, đất nước từ chỗ long đong chạy ăn, thu nhập quốc dân tính theo đầu người chưa tới 200 USD một năm, bây giờ đã thoát khỏi tình trạng nước nghèo, bước vào nhóm nước thu nhập trung bình và thu nhập quốc dân tính theo đầu người  là 2.250 USD một năm. Số người nghèo của nước ta thời điểm năm 1986 là hơn 50% thì giờ chỉ còn 7,2%.

Từ một nước bị bao vây cấm vận và tên của đất nước đồng nghĩa với tên của cuộc chiến tranh, bây giờ Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta có quan hệ đối tác toàn diện và đối tác chiến lược với cả 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế là tiếng nói được tôn trọng. Uy tín của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Việt Nam trở thành một địa chỉ đầu tư đáng tin cậy của giới đầu tư quốc tế. Chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống quốc tế trên nhiều cấp độ: Khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Và trong lúc chiến tranh, xung đột diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới thì Việt Nam là một xứ sở của bình yên và một xã hội hòa kết các dân tộc, các tôn giáo.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử, đất nước ta vẫn phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa hơn, nền kinh tế của chúng ta vẫn phát triển dưới mức tiềm năng, chưa xây dựng được một cơ chế để khơi mở, phát huy, giải phóng được sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, hệ thống công quyền nhìn chung vẫn còn thiếu hiệu năng, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người có chức có quyền suy thoái về tư tưởng, đạo đức, chính trị và lối sống. Tất cả những thứ đó trở thành lực cản đối với sự phát triển của đất nước. Rõ ràng, sau 30 năm đổi mới, đất nước cần một động lực mới mạnh mẽ hơn để phát triển. Đất nước khó phát triển nếu như chúng ta vẫn quản trị, điều hành giống như mấy chục năm vừa qua.

Có người so sánh rằng 30 năm trước đất nước gặp khó khăn, thách thức hết sức gay go nên buộc phải đổi mới. Bây giờ, sau 30 năm, bên cạnh những vận hội rất lớn, đất nước cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức mới, nên cũng cần buộc phải đổi mới lần nữa?

Tôi  nghĩ, tình thế của đất nước ta 30 năm trước hoàn toàn khác với bây giờ, thế và lực của đất nước ta ngày hôm nay khác hẳn. Nhìn Thủ đô Hà Nội ngày hôm nay, không cần so với 30 năm, chỉ cần 10 năm thôi, đã thấy một sự phát triển chóng mặt. Ngay cả bạn bè quốc tế quay trở lại Việt Nam sau vài năm cũng phải ngỡ ngàng trước sự phát triển như thế. Nhiều bà con Việt kiều mà tôi đã gặp cũng thốt lên rằng Việt Nam phát triển quá nhanh. Không chỉ Thủ đô, không chỉ các đô thị lớn và cả vùng nông thôn cũng “thay da, đổi thịt” từng ngày.

Cũng có người nói rằng cuộc đổi mới 30 năm trước là cuộc đổi mới thứ nhất và giờ phải làm “cuộc đổi mới thứ hai”. Tôi cho rằng đổi mới là quá trình liên tục, thống nhất, thành tựu của 30 năm trước là đà để chúng ta tiếp tục đẩy công cuộc đổi mới lên một tầm mức mới, cao hơn. Điều đó không có nghĩa chúng ta làm một “cuộc đổi mới thứ hai”. Bởi vì tư tưởng xuyên suốt công cuộc đổi mới, nguyên tắc tiến hành công cuộc đổi mới, mục tiêu của công cuộc đổi mới, hướng đi của công cuộc đổi mới vẫn không thay đổi, chỉ có cách thức là phải đổi mới.

Giờ đây, đổi mới trước hết là về phương thức lãnh đạo của Đảng. Đổi mới để chúng ta phát huy, sử dụng tốt hơn những tiềm năng dồi dào, những sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn của đất nước. Tiềm năng lớn nhất là nguồn lực con người. Đó là cái mà chúng ta đang còn hạn chế trong xây dựng, sử dụng và phát huy.

Tất cả chúng ta đều đứng trước một câu hỏi: Người Việt Nam mình được thế giới thừa nhận là dân tộc thông minh, sinh viên Việt Nam theo học ở các trường đại học nước ngoài luôn là học sinh ưu tú, nhiều người trở thành nhà khoa học nổi tiếng của thế giới nhưng tại sao nguồn lực trí tuệ đó lại không trở thành sức mạnh, động lực lớn để chúng ta xây dựng đất nước ngày hôm nay mà chúng ta vẫn cứ tiếp tục đứng trước những nguy cơ tụt hậu ngày một xa hơn? Đó là một câu hỏi lớn mà toàn Đảng, toàn dân chúng ta phải giải đáp. Chúng ta xây dựng thể chế, cơ chế như thế nào và vận hành ra sao để quản trị tốt hơn các hoạt động của đời sống xã hội, bao quát hơn là quản trị quốc gia?

Đó là những vấn đề được Đại hội Đảng lần thứ XII thảo luận, phân tích, mổ xẻ để tìm ra những căn nguyên, phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, bất cập để từ đó đề ra những quyết sách có tính chiến lược phát triển đất nước.

Tôi thấy cuộc thảo luận trong toàn Đảng, toàn dân thời gian vừa qua để góp ý vào các văn kiện của đại hội đã thể hiện được tinh thần đó. Chúng ta phải vượt lên với một quyết tâm, ý chí chính trị mạnh hơn nữa, nhưng lại phải hết sức tránh bệnh duy ý chí. Đi kèm với quyết tâm và ý chí là một hệ thống các giải pháp để tạo động lực mới cho đất nước.

Trong vấn đề về phát huy nhân tố con người, tôi cho rằng quan trọng là chúng ta phải thực sự có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài. Nhân tài ở trong nước, ở nước ngoài, nếu chúng ta có chính sách tốt thì sẽ thu phục được họ. Nhân tài nhìn chung không tự sinh ra, mà phải qua quá trình phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng, phát huy. Chúng ta không thể yên lòng với cách thức nuôi dưỡng, sử dụng nguồn lực trí tuệ của đất nước hiện nay. Lãng phí lớn nhất là bỏ phí nhân tài, sai lầm tai hại nhất là coi khinh trí tuệ.

Ba mươi năm trước nhiệm vụ quan trọng nhất là kinh tế, vậy hiện nay, với 12 nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội XII, đâu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu?

Chúng ta vẫn xác định kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Tôi nghĩ, việc xác định hai nhiệm vụ trọng yếu này sẽ không có sự chuyển dịch vị trí. Nhưng làm thế nào để chúng ta thể hiện trên thực tế kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm mới là vấn đề. Quan trọng nhất là chúng ta phải có chính sách hữu hiệu để thu hút được các nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Nhưng nguồn lực quan trọng nhất, quyết định  nhất vẫn là nguồn lực con người. Nếu chúng ta có chiến lược về nguồn lực con người tốt thì sẽ thu hút, tích hợp được các nguồn lực khác. Ngày xưa, ông cha ta nói “một mặt người bằng mười mặt ruộng”. “Mặt người” ở đây có thể hiểu là nguồn nhân lực, còn “mặt ruộng” là nguồn lực vật chất.

Đối với việc xây dựng Đảng, Đại hội XII sẽ đánh giá thế nào về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI?

Nghị quyết Trung ương 4 được thực hiện trong gần suốt nhiệm kỳ vừa qua. Có thể nói, một trong những dấu ấn mạnh nhất của nhiệm kỳ qua chính là Đảng đã ban hành và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Đây là nghị quyết hết sức quan trọng, được ban hành rất kịp thời để chúng ta ngăn chặn đà suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ở trong Đảng, để khôi phục lại niềm tin của người dân đối với Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Nếu không có Nghị quyết Trung ương 4, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng của chúng ta gặp rất nhiều khó khăn.

Nghị quyết Trung ương 4 có một giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn mặc dù kết quả  thực hiện chưa được như chúng ta mong đợi. Trong Đảng vẫn còn những vấn đề mà chúng ta chưa thể yên lòng, vẫn còn tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, địa vị, vụ lợi, đặc biệt là lợi ích nhóm, sự phai nhạt về lý tưởng… Đáng lo ngại nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và lãng phí vẫn chưa tạo được chuyển biến rõ rệt. Tôi nghĩ là trong nhiệm kỳ này, Nghị quyết Trung ương 4 vẫn tiếp tục phải được thực hiện. Đấy là nghị quyết quan trọng không phải chỉ cho một nhiệm kỳ. Một khi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống… chưa được ngăn chặn, loại trừ thì Nghị quyết Trung ương 4 vẫn phải tiến hành. Vì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trước hết là cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng và thắng lợi của cuộc đấu tranh này sẽ lan tỏa, có tác dụng tích cực, khích lệ cuộc đấu tranh chống tham nhũng và các tệ nạn trong toàn xã hội.

Với tinh thần như thế, bản thân tôi và đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân rất tin tưởng vào thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mong đợi tinh thần của Nghị quyết này sẽ được thể hiện sống động bằng những chương trình công tác, hành động thiết thực. Đảng có vững mạnh thì đất nước mới hùng cường được. Đặt niềm tin mãnh liệt vào vai trò lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam kỳ vọng rất nhiều ở Đại hội này.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)