• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Doanh nghiệp Việt muốn ‘cùng thắng’ phải phát huy thế mạnh nội tại

(Chinhphu.vn) – Chỉ trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu đã đạt tới 173,7 tỷ USD, gần bằng của cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Tính chung 10 tháng năm 2017 Việt Nam xuất siêu 1,23 tỷ USD. Tuy nhiên, liệu chúng ta có nên quá lạc quan với những con số ấn tượng?

30/11/2017 17:06

Ảnh minh họa

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê công bố mới đây, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 10/2017 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 26,2%.

Như vậy, trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu tiếp tục có được mức tăng trưởng ấn tượng, khi đạt tới 173,7 tỷ USD, gần bằng của cả năm 2016 (175,9 tỷ USD). Tính chung 10 tháng năm 2017 Việt Nam xuất siêu 1,23 tỷ USD.

Số liệu trên cho thấy, chưa bao giờ bức tranh xuất khẩu lại trở nên khả quan như hiện nay, với kim ngạch tăng rất cao. Bộ Công Thương dự báo nếu tốc độ tăng xuất khẩu tiếp tục được giữ vững thì tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2017 có thể đạt khoảng 200 tỷ USD (cao hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 188 tỷ USD), tăng khoảng 13% so với mức thực hiện năm 2016.

Đây sẽ là năm đầu tiên Việt Nam đạt mức kỷ lục xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 đạt 6,7%.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đánh giá, xuất siêu trong điều kiện hiện nay là một dấu hiệu tích cực của nền kinh tế, không những thúc đẩy tăng trưởng mà còn giữ tính ổn định và bền vững hơn cho kinh tế vĩ mô.

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, xuất khẩu trong thời gian vừa rồi nổi bật hai nhóm hàng nông sản và điện tử. Việc xuất khẩu được nông sản với một kim ngạch ấn tượng như vậy là một điều rất đáng mừng, nhất là trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của chúng ta không được thuận lợi.

“Điều này là kết quả của những tiến bộ nổi trội trong việc tổ chức sản xuất sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, đáp ứng được những chuẩn mực của những thị trường khắt khe. Như vậy, cần phải xem đây là thành quả và từ đấy phải nhân lên”.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, “dĩ nhiên những con số trên thể hiện xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng tốt”. Điều này do nhiều nguyên nhân như Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ, mở rộng quan hệ mậu dịch với nhiều quốc gia. Các nhà xuất khẩu của Việt Nam cũng thiết lập được thêm nhiều mối quan hệ, tạo lòng tin với các nhà nhập khẩu ở các quốc gia khác. Bên cạnh đó, tình hình thế giới trong năm 2017 tương đối khả quan giúp tăng xuất khẩu ở Việt Nam.

Đồng thời, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, trong những năm qua, Chính phủ đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các DN xuất khẩu kể cả về thuế, cũng như thủ tục hành chính và các gói hỗ trợ.

“Như NHNN cũng đã có những chính sách ưu đãi cho 5 lĩnh vực trong đó có xuất khẩu. Hay chương trình cho vay ngoại tệ với các DN xuất khẩu, đáng ra phải chấm dứt vào cuối năm nay nhưng có thể NHNN sẽ nới ra thêm 1 năm nữa, đây là những điều cần thiết bởi những DN xuất khẩu rất cần chi phí vốn”.

Phát huy thế mạnh nội tại  

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt 173,7 tỷ USD rất ấn tượng, nhưng cái mà tôi lo ngại là chúng ta vẫn lệ thuộc rất nhiều vào những công ty FDI”.

Trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” so với khu vực kinh tế trong nước khi có mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều. Điều này được chứng minh rất rõ thông qua các số liệu thống kê, trong 10 tháng năm 2017, xuất khẩu của khu vực FDI đạt tới 125,5 tỷ USD thì xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ khiêm tốn ở mức 48,2 tỷ USD.

“Dĩ nhiên, những công ty này giúp cho Việt Nam tăng được ngoại tệ, giúp người lao động có việc làm nhưng lại không bền vững. Họ có thể đến và có thể đi, nếu gặp phải một vấn đề gì đó trên thị trường quốc tế, họ có thể giảm năng lực sản xuất, cũng ảnh hưởng đến các quốc gia mà các công ty này xây dựng công xưởng sản xuất trong đó có chúng ta. Nên việc lệ thuộc vào DN FDI là một rủi ro lớn cho nền kinh tế”, ông Hiếu nhận định.

Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trong tương lai phải giảm sự lệ thuộc đó, bằng cách tăng cường khả năng của DN Việt, chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở, công nghệ, trang bị kinh nghiệm, khả năng cho người lao động để dần thay thế được vai trò trọng yếu của FDI trong tương lai.

“Vấn đề đầu tiên các DN xuất khẩu cần quan tâm là phải bảo đảm hàng hóa của mình đáp ứng được yêu cầu của những thị trường nhập khẩu, tránh trường hợp nhiều lô hàng bị từ chối, trả về do không đạt được tiêu chuẩn của nước họ, gây nhiều khó khăn trong việc tái xuất cũng như làm mất uy tín của hàng Việt trên trường quốc tế”.

Ngoài ra, cần có biện pháp phòng ngừa để không rơi vào tình trạng bị “quy” là phá giá, khi nhiều quốc gia đã dùng biện pháp này để ngăn chặn hàng xuất của Việt Nam.

Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: “Xưa nay chúng ta đều biết xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào khu vực FDI. Tuy nhiên, không nên ‘dìm’ khối FDI xuống mà việc cần làm là phải nâng khu vực nội địa lên”.

Ngành sản xuất rau quả và chế biến lương thực, thực phẩm dựa trên nền nông nghiệp nhiệt đới là thế mạnh của Việt Nam. Những số liệu xuất khẩu ấn tượng là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã tận dụng và thể hiện được lợi thế cạnh tranh của mình. “Việc này cần được nhân rộng hơn nữa”.

Đồng thời, cần tiếp tục tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho các nhà xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ những rào cản đang cản bước phát triển của DN xuất nhập khẩu nói riêng và cộng đồng DN nói chung.

Thu Hương