Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Một gian hàng tại Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, các DN CNHT tập trung chủ yếu ở khu vực sản xuất linh kiện kim loại và sản xuất linh kiện điện - điện tử. Các DN CNHT có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn, dây cáp điện, linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật, săm lốp các loại. Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, mức độ tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN CNHT trong nước vào chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn rất hạn chế. Phần lớn các DN chỉ là DN cấp 3, cấp 4, một số ít trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2. Sản phẩm chủ yếu là linh kiện, chi tiết đơn giản, có hàm lượng công nghệ và giá trị thấp.
Nhằm hỗ trợ các DN CNHT tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu, từ ngày 12-14/12, lần đầu tiên Trung tâm Phát triển CNHT TPHCM (Sở Công Thương TPHCM) phối hợp với Hiệp hội Máy móc Công nghiệp Hàn Quốc (KOAMI), Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (HAMEE) và các đơn vị liên quan, tổ chức Triển lãm quốc tế Máy móc - Thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) và Triển lãm Sản phẩm CNHT Việt Nam (VSIF)
Triển lãm có quy mô 450 gian hàng của 300 DN trong nước và quốc tế. Trong đó có 30% sản phẩm CNHT Việt Nam. Tham gia triển lãm, các DN Việt Nam khẳng định những sự kiện này sẽ đem lại nhiều cơ hội lớn cho họ, giúp cập nhật các xu hướng, công nghệ hàng đầu của thế giới; đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng mạng lưới kinh doanh, bán hàng...
Tại triển lãm, hơn 100 DN Hàn Quốc đã đưa ra rất nhiều nhu cầu về sản phẩm CNHT cần DN Việt Nam cung ứng như trang thiết bị phụ tùng cho hệ thống tự động hóa; sản phẩm CNHT công nghệ cao; máy và dụng cụ gia công kim loại; thiết bị trong nhà máy và thiết bị điện; phụ kiện, vật liệu công nghiệp…
Trong khuôn khổ triển lãm đã diễn ra chương trình kết nối cung cầu giữa các DN Việt Nam và Hàn Quốc.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM cho biết dựa trên những tiêu chuẩn, thông tin sản phẩm cần cung ứng mà DN Hàn Quốc đặt ra tại hội nghị kết nối cung cầu, có thể khẳng định đây là yêu cầu không khó với các DN Việt Nam, nhất là những DN có thâm niên xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới. Vấn đề quan ngại là khả năng cạnh tranh về giá thành của sản phẩm giữa DN cung ứng với DN phụ trợ của Hàn Quốc
Đại diện Hiệp hội Công nghiệp máy móc Hàn Quốc khẳng định các DN Hàn Quốc đánh giá rất cao nội lực cung ứng sản phẩm CNHT của DN Việt Nam.
Hiện nay, rất nhiều DN Việt đã tham gia xuất khẩu sản phẩm CNHT vào nhiều thị trường phát triển như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Mỹ, Australia, Canada. Riêng với DN Hàn Quốc cũng có nhiều DN Việt trở thành nhà cung ứng như các công ty: Minh Nguyên, Asanzo, Minh Mẫn, Việt Nhật..., trong đó có 29 DN trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn Samsung.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, nhằm phát triển kinh tế bền vững, thời gian qua, TPHCM đặc biệt quan tâm đến việc phát triển công nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đồng thời thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố, trong đó phát triển CNHT là nền tảng, động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố trong thời gian tới.
Ông Đông cho biết Sở Công Thương TPHCM và các sở, ban ngành hiện đang tham mưu cho UBND TPHCM xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, tập trung các nhóm chính sách bao gồm hỗ trợ về mặt bằng, cơ chế vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực và xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu. Đây cũng là động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong thời gian tới.
Lê Anh