Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về ANHN, các nước tham dự đã đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. |
Hội nghị về ANHN đầu tiên này đã bàn thảo các biện pháp chung đối phó với khủng bố hạt nhân. Ý tưởng trên được Tổng thống Mỹ Obama đề xuất tại Praha (Czech) vào tháng 4/2009 khi ông phát biểu nhấn mạnh, chủ nghĩa khủng bố hạt nhân như một mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh toàn cầu.
Với sự tham dự của lãnh đạo từ 47 nước và đại diện các tổ chức quốc tế, cuộc họp tập trung vào cách thức bảo đảm và bảo vệ vật liệu hạt nhân không để rơi vào tay những kẻ khủng bố. Các nước đã nhất trí đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Obama nhằm đảm bảo sự an toàn của các vật liệu hạt nhân trong 4 năm. Các bên tham gia cũng đã thông qua tuyên bố chung 12 điểm về các biện pháp chống buôn lậu hạt nhân và tăng cường ANHN.
Về chủ đề hành động quốc tế đảm bảo ANHN, lãnh đạo các quốc gia dự Hội nghị đều nhất trí cho rằng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều quốc gia mong muốn phát triển chương trình hạt nhân dân sự và nguy cơ khủng bố quốc tế gia tăng thì bảo đảm ANHN là vấn đề cấp thiết; là trách nhiệm của từng quốc gia, nhưng cũng đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.
Tham góp ý kiến về chủ đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam cho rằng để đảm bảo ANHN, các hoạt động hợp tác quốc tế cần được tham vấn và đạt sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác; cần tính đến đặc thù về điều kiện kinh tế, xã hội và mức độ ứng dụng năng lượng hạt nhân của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển.
Thủ tướng khẳng định lại ý nghĩa quan trọng của việc củng cố vị trí trung tâm của LHQ và phát huy vai trò quan trọng của IAEA trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng và bảo đảm an toàn và ANHN cũng như sự hỗ trợ của các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế và khu vực, các nhà công nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đối với các quốc gia đang phát triển.
Về chủ đề nâng cao vai trò IAEA đối với ANHN, lãnh đạo các nước nhấn mạnh vai trò của cơ quan này trong việc hỗ trợ về pháp lý và pháp qui, tăng cường an ninh và kiểm soát vật liệu hạt nhân và các vật liệu phóng xạ khác, đồng thời tăng cường năng lực quốc gia về phát hiện và đối phó với tình trạng buôn bán trái phép vật liệu hạt nhân, vật liệu phóng xạ.
Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, trong hơn 50 năm hoạt động kể từ khi thành lập, IAEA luôn nỗ lực phấn đấu thực hiện tôn chỉ mục đích của mình là tăng cường và mở rộng ứng dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình, chăm lo sức khoẻ, sự phồn vinh của nhân loại cũng như bảo đảm ANHN, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực này.
Khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam trong các hoạt động của IAEA, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất cần phát huy vai trò của IAEA trong việc điều phối chương trình, hoạt động chung của các quốc gia, trong đó có việc hợp tác thực hiện Kế hoạch ANHN 2010-2013 của IAEA. Tăng cường sự hỗ trợ của IAEA đối với các nước đang phát triển trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng an toàn, ANHN, nâng cao năng lực kiểm soát hạt nhân, đồng thời quan tâm tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để IAEA hoạt động có hiệu quả trong tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng của mình.
Tổng thống Mỹ Obama nói rằng mục tiêu bảo vệ an ninh chất liệu hạt nhân trong 4 năm là táo bạo và thực dụng, nhưng nó có thể đạt được. Ông gọi Hội nghị Thượng đỉnh là một bước "tiến bộ thực sự" trong việc xây dựng một thế giới an toàn hơn và đó là một phần trong nỗ lực lớn hơn để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc phiên họp toàn thể, Tổng thống Obama tuyên bố các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đã nhất trí về tính cấp bách và nghiêm trọng của mối đe dọa và triển khai một sự hiểu biết chung về những nguy cơ.
Tổng thống Mỹ khẳng định Hội nghị là cơ hội để các quốc gia tự mình và cùng với các nước khác có những cam kết chắc chắn sẽ thực hiện các bước đi nhằm đảm bảo an toàn cho vũ khí hạt nhân và nguyên liệu hạt nhân, không để rơi vào tay các phần tử khủng bố. Theo ông, các mạng lưới khủng bố như Al Qaeda đã tìm cách để có được nguyên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân, và nếu chúng sử dụng, đó sẽ là một thảm họa cho thế giới, gây ra thiệt hại vô cùng lớn về sinh mạng và giáng một đòn mạnh đối với hòa bình và ổn định toàn cầu. Vì vậy, ông cho rằng an toàn cho nguyên liệu hạt nhân phải là một nỗ lực nghiêm túc và liên tục.
Bốn điểm chính mà Tổng thống Obama nêu ra mà Hội nghị đã đạt được đồng thuận là: Thứ nhất, đồng ý vể sự khẩn thiết và nghiêm trọng của các mối đe doạ. Các nước đã đồng ý trên căn bản và ra tuyên bố rằng khủng bố hạt nhân là nguy cơ cho an ninh quốc tế. Thứ hai là, Tổng thống Mỹ tỏ ra hài lòng khi các nước ủng hộ kế hoạch mà ông nêu ra tại Praha năm ngoái, về việc bảo đảm an toàn cho vật liệu hạt nhân trên toàn thế giới. Thứ ba, Tổng thống Obama xác định trách nhiệm căn bản của các nước trên toàn thế giới là phải thực hiện những cam kết một cách thường xuyên với cộng đồng quốc tế để bảo đảm an ninh cho vật liệu và cơ sở hạt nhân của mình, củng cố luật lệ và chính sách trong nước về hạt nhân. Cuối cùng là, các nước cũng nhìn nhận rằng điều quan trọng là phải thực hiện các nghĩa vụ quốc tế nhưng vấn đề không chỉ được giải quyết với một quốc gia đơn lẻ. Vì vậy các nước cam kết về một sự hợp tác hiệu quả và chắc chắn về ANHN.
Một trong các kết quả then chốt của Hội nghị là việc kí kết biên bản Nga - Mỹ về hủy bỏ plutoni cấp độ sản xuất vũ khí dư thừa. Theo văn kiện này, mỗi một bên cần thiêu hủy trong lò phản ứng 34 tấn nguyên liệu nguy hiểm - đủ để chế tạo mấy nghìn đơn vị vũ khí hạt nhân.
Theo giới phân tích, Hội nghị rất có ý nghĩa bởi nó quy tụ các cường quốc hạt nhân lâu năm nhất trên thế giới - Mỹ, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc - ngồi chung bàn với Ấn Độ và Pakistan - hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và Israel - được cho là có vũ khí hạt nhân. Ba nước này đều không tham gia Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân năm 1970…
Kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh Washington là việc ký kết một văn kiện, theo đó, trong 4 năm tới, các nước thành viên sẽ làm tất cả mọi việc để củng cố an toàn vật liệu hạt nhân của mình, sao cho chúng không lọt vào tay khủng bố. Đồng thời, một loạt quốc gia đã tuyên bố về các động thái mà họ có dự định tiến hành nhằm đạt tới mục đích đó. Chẳng hạn, Ukraina và Mexico quyết định noi gương Chile loại bỏ tất cả dự trữ uranium làm giàu cao của mình. Còn Canada thì đồng ý từ bỏ phần đáng kể các dự trữ hạt nhân.
Có thể nói, qua Hội nghị Washington, vấn đề kiểm soát hạt nhân đã được xem xét kỹ càng hơn và việc hợp tác trên quy mô toàn cầu để đảm bảo an ninh hạt nhân được nâng lên cấp độ cao mới./.
Nguyễn Chiến