Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Muôn nỗi chuyện nghề
![]() |
Đa số lao động GVGĐ là các phụ nữ ở nông thôn chưa qua khóa đào tạo nào - Ảnh VGP/Thanh Thủy |
Hiện nay, lao động giúp việc gia đình (GVGĐ) đang là một nghề mới phù hợp với phụ nữ và rất có tiềm năng bởi hiện tại tình trạng nhu cầu luôn vượt quá khả năng cung cấp của thị trường. Tuy nhiên, trong thực tế, hơn 80% lao động chủ yếu là phụ nữ nông thôn chưa được trang bị những kỹ năng của nghề.
Chị Nguyễn Ái Liên ở đường Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh TPHCM cho biết, gần 3 tháng nay gia đình chị đi tìm 1 người GVGĐ. Phần lớn những lao động GVGĐ từ các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đến TP tìm việc thường sau tết âm lịch. Cho nên vào thời điểm giữa năm như thế này, gần như tất cả các mối quan hệ từ người thân đến bạn bè đều không thể giúp được chị. Còn việc sử dụng người GVGĐ qua các trung tâm thì chị Liên không dám vì cả 2 vợ chồng đều đi làm cả ngày, không thể nào giao phó nhà cửa cho người lạ.
Không như chị Liên, chị Nguyễn Thị Hằng ở quận I, TPHCM đã sử dụng rất nhiều lao động GVGĐ tại các Trung tâm giới thiệu việc làm nhưng đến nay vẫn trong tình trạng ”tìm kiếm”. Chị Hằng cho biết, phí dịch vụ cho mỗi lần giới thiệu là 500.000 đồng. Nếu trong 1 tuần gia đình chủ nhà không đồng ý có thể đổi người khác.
Tuy nhiên, theo chị Hằng, cả 3 người đến làm việc tại gia đình chị đều không thể đáp ứng được nhu cầu. Hai người phụ nữ độ tuổi 40-45 ở nông thôn quá lâu nên dù đã được các trung tâm đào tạo nhanh các kiến thức về các công việc của một GVGĐ ở thành phố nhưng vẫn không thể sử dụng những vật dụng gia đình thời hiện đại. Thậm chí gia đình chị hướng dẫn rất nhiều lần nhưng họ vẫn không làm quen được. Người thứ 3 là một em ở độ tuổi 19, mới ở được 3 tháng đã xin nghỉ việc để làm công nhân với lý do “GVGĐ chỉ là tạm thời trong thời gian em tìm việc”.
Ông Phạm Khắc Huy, Giám đốc công ty TNHH Đông Nam TPHCM, chuyên giới thiệu việc làm cho lao động GVGĐ cho biết, mặc dù kinh tế đầu năm 2013 khó khăn nhưng nhu cầu tìm người GVGĐ lại tăng lên rõ rệt. Trong năm 2012, Công ty của ông chỉ giới thiệu bình quân gần 100 người/tháng nhưng từ đầu năm tới nay hàng tháng công ty giới thiệu được gần 200 người. Trong tháng 6, 7/2013, có gần 150 khách có nhu cầu tìm người GVGĐ với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng và hơn 200 khách có nhu cầu tìm người chăm sóc trẻ và người già với mức lương 4 triệu đồng/tháng nhưng công ty vẫn chưa tìm được nguồn lao động để cung cấp.
Thiếu chuyên nghiệp
Theo khảo sát của Viện Gia đình và Giới, phần lớn phụ nữ GVGĐ thường ở độ tuổi từ 30-55 và hơn 80% trước đây làm nghề nông. Những người GVGĐ chủ yếu chỉ tốt nghiệp PTCS, PTTH và rất ít người có bằng trung cấp dạy nghề hay đã qua đào tạo nghề. Thậm chí có tới gần 50% những phụ nữ GVGĐ có hoàn cảnh đặc biệt như ly hôn, góa bụa, đơn côi.
![]() |
Lao động chăm sóc người bệnh tại gia đình và bệnh viện đang có xu hướng gia tăng - Ảnh VGP/Thanh Thủy |
Bên cạnh đó, có 11% lao động GVGĐ được giới thiệu qua các trung tâm việc làm còn lại 89% là qua người thân, bạn bè. Có 34% lao động GVGĐ làm việc từ 6 tháng đến 2 năm, 45% làm việc từ 2-4 năm trở lên. Như vậy, tính ổn định của công việc trong nghề chưa cao do chính người lao động GVGĐ chưa coi đây là 1 nghề và ý thức với nghề của mình.
Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM, do tính chất đặc thù của ngành nên sự hài lòng giữa người sử dụng lao động và người lao động thường khó thống nhất hoặc sự hợp tác không bền vững. Một trong những nguyên nhân căn bản của hiện tượng này là lực lượng lao động GVGĐ đang sử dụng chủ yếu là những phụ nữ nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ít kinh nghiệm trong 1 môi trường hiện đại.
Bên cạnh đó việc đầu tư cho đào tạo của xã hội, của các công ty cung cấp lao động để lao động GVGĐ đáp ứng được các kỹ năng tối thiểu của nghề còn sơ khai và hạn chế.
Hiện nay, trong các trường dạy nghề, trung cấp cũng chưa có ngành nào đào tạo nghề GVGĐ. Tại các trung tâm giới thiệu việc làm đã có các lớp ngắn ngày đào tạo cho các lao động tìm việc nhưng cũng chỉ dưới dạng giới thiệu theo kinh nghiệm mà chưa có chương trình cụ thể và phù hợp với từng công việc của nghề.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam cho biết, khái niệm GVGĐ thường được coi là làm những công việc nội trợ nên từ người lao động đến người cung cấp dịch vụ lao động đều cho rằng ai là phụ nữ cũng làm được. Thậm chí không ít lao động giúp việc gia đình đi xuất khẩu lao động tại nhiều thị trường như Hàn quốc, Đài Loan… cũng chưa được đào tạo cơ bản và tối thiểu của nghề. Chính vì vậy, trong những năm qua, có trường hợp lao động xuất khẩu bị trả về do không đáp ứng được nhu cầu của chủ nhà.
Bên cạnh những “éo le”, cũng có câu chuyện thành nghề, với ý thức rõ ràng về tính chuyên nghiệp hóa...
Phần tiếp: Từ chuyện những người thành nghề
Thanh Thủy