Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra. Ảnh: VGP/Thế Phong |
Điểm sáng đầu tiên phải nói đến là làng dệt thổ cẩm Zơ Ra ở xã Tà Bhing (Nam Giang, Quảng Nam) được phục hồi phát triển với sức sống mới. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ta Bhing Bloong Hon luôn nhấn mạnh đến hiệu quả kinh tế từ làng dệt thổ cẩm Zơ Ra, kết hợp với mô hình du lịch cộng đồng, góp phần cải thiện và nâng cao thu nhập cho người dân vùng núi cao còn lắm khó khăn này.
Ông Bloong Hon cho biết làng dệt thổ cẩm Zơ Ra được khôi phục từ năm 2000 do Tổ chức Cứu trợ và Phát triển quốc tế của Nhật Bản (FIDR) tài trợ thực hiện. Làng dệt thổ cẩm Zơ Ra được quy hoạch xây dựng khá bài bản. Các ngôi nhà sàn vừa là nơi các thợ dệt làm việc, vừa để trưng bày các sản phẩm dệt thổ cẩm thu hút du khách đến tham quan.
Chị Nguyễn Thị Kim Lan, Tổ trưởng nghệ nhân làng dệt Zơ Ra cho biết từ lúc được khôi phục đến nay, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra thu hút 50 chị em phụ nữ người Cơ Tu tham gia. Bên cạnh việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mới, các nghệ nhân ở làng còn tiến hành nghiên cứu phục dựng được 50 mẫu dệt truyền thống tưởng chừng như bị mai một của đồng bào Cơ Tu. Trong đó có những mẫu có giá trị về mặt thẩm mỹ và văn hóa được các nghệ nhân cao tuổi trong làng khôi phục thành công, du khách trong và ngoài nước ưa thích.
Đến nay, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại và gần như sản phẩm thổ cẩm Zơ Ra làm ra đều được tiêu thụ hết. Điều đáng mừng là hiện nay các sản phẩm thổ cẩm của làng Zơ Ra không chỉ phục vụ cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ… Đây thực sự là tín hiệu vui cho nghề dệt truyền thống của đồng bào Cơ Tu sẽ được tiếp tục bảo tồn và phát triển.
Chị Lan chia sẻ: “Từ khi nghề dệt thổ cẩm Za Ra được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, chị em có thêm thu nhập (400.000-500.000 đồng/tháng) từ các sản phẩm mình làm ra, đời sống gia đình từng bước được cải thiện, đặc biệt có nhiều gia đình sau khi tham gia vào làm ăn ở làng dệt đã thoát nghèo”.
Thời gian tới, làng dệt thổ cẩm Zơ Ra sẽ tiếp tục tranh thủ sự trợ giúp của chính quyền địa phương để đưa các sản phẩm dệt giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm và giới thiệu sản phẩm trong các "tour" du lịch.
Ngoài làng dệt thổ cẩm Zơ Ra, với sự giúp đỡ, hỗ trợ tích cực từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), làng dệt thổ cẩm Đhrôồng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) được phục hồi từ tháng 6/2013, thu hút 18 chị em là người dân tộc Cơ Tu trong làng tham gia.
Chị Pơling Thị Treng, tổ viên làng dệt thổ cẩm Đhrôồng, cho biết: “Thông qua các lớp tập huấn do ILO tổ chức, chúng tôi đã biết cách tạo mẫu mã sản phẩm, biết kỹ năng bán hàng cho du khách. Bước đầu, làng dệt thổ cẩm Đhrôồng đã sản xuất được 20 loại sản phẩm dệt với đầy đủ hoa văn, màu sắc, đường nét, kích thước khác nhau".
Các sản phẩm dệt của làng Đhrôồng bắt đầu được biết đến tại các hội chợ, triển lãm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; được trưng bày giới thiệu tại Festival Di sản Quảng Nam. Bên cạnh đó, ILO cũng đã hỗ trợ tạo dựng các cơ sở bán sản phẩm dệt của làng Đhrôồng tại TP. Hội An, Đà Nẵng.
Ngoài ra, ILO cũng hỗ trợ xây dựng nhà trưng bày sản phẩm dệt ngay tại Đhrôồng với tổng giá trị 100 triệu đồng. Tại đây, có nhiều gian hàng lưu niệm với đủ loại sản phẩm thủ công, như nịt, giày dép, túi đựng điện thoại, túi đựng laptop, ví nam/nữ, khăn trải bàn lớn nhỏ... đều được niêm yết giá. Ngoài dệt thủ công, chị em Cơ Tu còn có thể tạo ra sản phẩm may theo yêu cầu sau khi được trang bị 8 máy may hiện đại.
UBND huyện Đông Giang đánh giá từ khi làng dệt thổ cẩm Đhrôồng được khôi phục đến nay, du khách đến huyện ngày càng tăng. Đhrôồng trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế du lịch của huyện. Trong tương lai gần, Đhrôồng với những nét văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu như nhà sàn, dệt, đan lát, múa tân tung…, sẽ là một trong những điểm đến du lịch ưa thích của du khách khi đến với miền núi tỉnh Quảng Nam.
Theo ILO, làng du lịch dựa vào cộng đồng Đhrôồng hoạt động khá thành công trong thời gian qua. Ngoài việc thu hút khá đông du khách đến tham quan, Đhrôồng còn sản xuất ra các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ được bày bán tại các cửa hàng chất lượng cao và Trung tâm thông tin du khách tại Hội An. ILO hy vọng hiệu quả tích cực từ các làng nghề dệt thổ cẩm trên mang lại sẽ có tác dụng đối với các địa phương khác.
Thế Phong