Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cứ vào dịp cuối năm, thông tin về tiền thưởng Tết lại được người lao động rất quan tâm, bởi ở những DN (DN) làm ăn hiệu quả, khoản tiền này dành cho người lao động thường khá lớn, có lúc bằng 6 tháng, thậm chí cả năm lương. Khoản tiền vào dịp cuối năm này có ý nghĩa rất lớn khi chi tiêu vào những dịp này thường tăng cao.
Theo Điều 103 Bộ luật Lao động 2012, tiền thưởng là khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Như vậy, tiền thưởng Tết Nguyên đán là thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng, thỏa ước lao động tập thể. Việc làm này hoàn toàn mang tính chất đãi ngộ, khuyến khích người lao động để họ thêm động lực làm việc.
Để tránh tình trạng nợ lương, thưởng với người lao động trong dịp Tết sắp tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã có văn bản đôn đốc các địa phương trong cả nước kiểm tra, báo cáo tình hình lương, thưởng tại các DN.
Vào chiều 19/1, Bộ LĐTBXH đã công bố số liệu về tình hình thưởng Tết tổng hợp trên cơ sở báo cáo từ 63 tỉnh, thành phố với 13.178 DN.
Theo đó, khoảng 87% số DN báo cáo dự kiến có tiền thưởng Tết Nguyên đán 2016 với mức thưởng bình quân khoảng 1 tháng lương (khoảng 5,53 triệu đồng/người, tăng 15,7% so với thưởng Tết Nguyên đán 2015).
Người có mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng/người (DN FDI ở Hải Dương). Người có mức thưởng thấp nhất là 40.000 đồng/người (DN FDI ở Bình Phước).
Về thưởng Tết Dương lịch, Bộ LĐTB&XH cho biết, 72% số DN báo cáo có tiền thưởng Tết Dương lịch với mức thưởng bình quân khoảng 1,18 triệu đồng/người, tăng 1,6% so với năm 2015 (1,16 triệu đồng/người). Người có mức thưởng cao nhất là 2.028 triệu đồng/người (DN FDI ở TPHCM). Người có mức thưởng thấp nhất là 24.000 đồng/người (DN FDI ở Thái Bình).
Trong tổng số trên 13.000 DN báo cáo đến ngày 31/12/2015, vẫn còn 14 DN (ở 8 tỉnh, thành phố) nợ khoảng 16,5 tỉ đồng tiền lương của 2.300 lao động và hơn 1.700 DN (khoảng 13% số DN báo cáo) chưa có kế hoạch thưởng Tết hoặc không có tiền thưởng Tết cho người lao động.
Trước đó, các Sở LĐTB&XH trên toàn quốc đã có những báo cáo cập nhật riêng lẻ về tình hình thưởng Tết.
Theo Sở LĐTB&XH Thành phố Hồ Chí Minh, đến ngày 5/1, trong số 1.152 DN công bố và mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 600 triệu đồng/người của một DN tư nhân. Mức thưởng thấp nhất là 3,1 triệu đồng/người của một DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mức thưởng bình quân trong dịp Tết Âm lịch của người lao động là hơn 7,3 triệu đồng, lao động thuộc DN có vốn góp Nhà nước mức bình quân cao nhất hơn 13,3 triệu đồng.
Trước đó, trong dịp Tết Dương lịch, đã xuất hiện mức thưởng trên 2 tỉ đồng thuộc về một DN FDI và đây cũng là mức thưởng lớn nhất từ trước tới nay. Mức thưởng thấp nhất cũng thuộc về một DN FDI với 134.000 đồng.
Theo Sở LĐTB&XH Thành phố, khối DN ngành tài chính-ngân hàng, bao bì-nhựa, thăm dò khai thác dầu khí, dược phẩm có mức thưởng Tết tương đối cao.
Ngoài ra, có 215 DN cho biết gặp khó khăn trong việc thưởng Tết cho người lao động. Tuy nhiên, DN vẫn cố gắng trả lương, thưởng cho người lao động đúng hạn và đúng hợp đồng.
Tại Hà Nội, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất thuộc về một DN FDI ở mức 100 triệu đồng/người. Cũng ở khối DN này, mức thưởng Tết thấp nhất là 450.000 đồng và mức thưởng bình quân là 3,77 triệu đồng (tăng xấp xỉ 1% so với năm trước).
Đứng thứ hai là nhóm công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu với mức thưởng cao nhất dự kiến là 38,2 triệu đồng/người và thấp nhất là 500.000 đồng/người. Tính trung bình, mức thưởng bình quân là 3,35 triệu đồng/người, tăng 1,5% so với năm trước.
Ở nhóm DN tư nhân, mức thưởng Tết cao nhất là 25 triệu đồng, thấp nhất là 550.000 đồng mỗi người và mức thưởng bình quân đạt 3,7 triệu đồng/người, tương đương năm trước.
Cuối cùng là nhóm DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước với mức thưởng cao nhất dự kiến đạt 20 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng và bình quân là 3,5 triệu đồng mỗi người.
Tại Hải Phòng, theo con số thống kê chưa đầy đủ, đã có 350 DN trên địa bàn công bố mức thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân 4,5 triệu đồng, tăng 28,5% so với năm trước. Mức thưởng cao nhất là của Công ty TNHH nữ trang D&Q với mức thưởng 128,8 triệu đồng.
Tiền thưởng Tết 50 triệu đồng/người là mức cao nhất ở tỉnh miền núi Lào Cai. Theo Sở LĐTB&XH tỉnh này, mức thưởng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của các DN trên địa bàn tỉnh đăng ký có mức cao nhất là 50 triệu đồng/người.
Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 1.495 DN hoạt động, sử dụng trên 55.000 lao động, tăng 2.107 lao động so với năm 2014.
Còn tại Nghệ An, mức thưởng Tết cao nhất thuộc về Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (80 triệu đồng). Mức thưởng Tết phổ biến tại các DN tư nhân, công ty, công ty cổ phần không có vốn Nhà nước phổ biến từ 400.000 đồng đến 3,2 triệu đồng/người lao động. Nhìn chung, thưởng Tết năm nay không biến động so với năm ngoái.
Tại Thừa Thiên-Huế, DN có mức thưởng Tết 2016 cao nhất 150 triệu đồng/người và thấp nhất 100.000 đồng/người. Từ báo cáo của 91 DN trên địa bàn, Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết mức thưởng tết cao nhất là 150 triệu đồng/người thuộc về một DN tư nhân. Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất là 100.000 đồng/người cũng thuộc DN trong khối này.
Ngoài ra, mức thưởng Tết trung bình tại các DN cổ phần, có vốn góp của Nhà nước đạt 5,04 triệu đồng; DN FDI là 2,4 triệu đồng còn công ty do Nhà nước làm chủ sở hữu là 4,7 triệu đồng mỗi người.
200 triệu đồng/người là mức thưởng cao nhất của một DN cổ phần có vốn góp của Nhà nước tại Đà Nẵng. Trong khi đó, mức thưởng cao nhất của Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu là 28 triệu đồng/người, của DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty CP không có vốn Nhà nước là 55 triệu đồng/người, DN FDI là 157,5 triệu đồng/người.
Còn theo Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, lãnh đạo Thành phố đã thống nhất mức trợ cấp cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm cải thiện đời sống trong các ngày Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 ở mức từ 500.000 đến 1,3 triệu đồng/người tùy từng loại hình đơn vị cụ thể.
Mức thưởng Tết như trên được cho là cao hơn so với mọi năm do năm nay Đà Nẵng đạt được kết quả ấn tượng về thu ngân sách, với trên 14.600 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại Bình Dương, hiện có gần 200 DN đã báo cáo tình hình thực hiện chế độ tiền lương, thưởng Tết. Theo đó, tất cả các DN đóng trên địa bàn tỉnh đều thực hiện tốt việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Về thưởng Tết Nguyên đán, đối với công ty 100% vốn sở hữu Nhà nước, mức thưởng thấp nhất 4,4 triệu đồng và cao nhất 50 triệu đồng. Các DN tư nhân thưởng thấp nhất 3,1 triệu đồng, cao nhất 32 triệu đồng. Riêng DN 100% vốn FDI, mức thưởng Tết thấp nhất 3,1 triệu và cao nhất là gần 80 triệu đồng.
Dịp này, tỉnh Bình Dương sẽ chi hơn 152 tỉ đồng để chăm lo Tết cho cán bộ công nhân viên, các gia đình, đối tượng chính sách và các hộ nghèo trên địa bàn.
Tại Cần Thơ, thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối DN FDI giảm hơn 67%; DN dân doanh giảm 47,42%; khối DN Nhà nước sở hữu 100% vốn giảm 8,77%. Trong khi đó khối DN có cổ phần vốn góp của Nhà nước có mức thưởng Tết tương đương năm 2015. Một DN trong khối này đã thưởng Tết ở mức khá cao là 186 triệu đồng mỗi người.
T. Minh (tổng hợp)