Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khó lo đủ vốn đầu tư cho ngành điện
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết: Ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành điện trong giai đoạn 2011-2030 khoảng 123,8 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD và giai đoạn 2021-2030 là 75 tỷ USD. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai các dự án rất chậm trễ. Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó chủ yếu vẫn là tình trạng thiếu vốn trầm trọng trong từng dự án, một số dự án chưa rõ nguồn vốn.
Việc thu xếp vốn cho ngành điện rất khó khăn. Mặc dù đã tăng giá điện nhiều lần, chính sách giá điện hiện nay vẫn chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư vào ngành điện, tỷ suất lợi nhuận đầu tư khá thấp. Hơn nữa, thời gian thu hồi vốn dài, tính hấp dẫn không cao, nhất là đối với các ngân hàng thương mại.
Ông Dương cho biết thêm: NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, tiếp tục bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia của ngành điện. NHNN cũng chỉ đạo các NHTM giữ mức lãi suất cho vay ổn định đối với EVN. Tuy nhiên, so với nhu cầu đầu tư thì số vốn ngân hàng vẫn không đủ.
Tìm nguồn vốn ngoài Nhà nước
Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư cho ngành điện hạn chế, Chính phủ đã xác định vốn đầu tư ngoài Nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài đối với các dự án điện ở Việt Nam là rất quan trọng.
Thời gian gần đây Thủ tướng Chính phủ đã cho phép chỉ định một số nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT như: Nhà máy Nhiệt điện Dung Quất 2 x 600MW (Sembcorp Singapore), Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu II 2 x 1.000MW (Toyo Ink Malaysia), Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 2 x 600MW (Egati Thái Lan ), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II (Tata Power Ấn Độ)… Hiện Tập đoàn công nghiệp Enercon (Đức) cũng cam kết huy động khoảng 1 tỷ Euro và cung cấp thiết bị đầu tư cho dự án (DA) điện gió Sóc Trăng 2.600MW.
Việc tăng các dự án nhà máy nhiệt điện BOT nước ngoài là biện pháp giảm bớt gánh nặng về nhu cầu về vốn, tuy nhiên thực tế các dự án này triển khai chậm, do Việt Nam chưa có khung giá mua điện công khai và thống nhất.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành chính sách giá điện hợp lý, minh bạch; ban hành khung giá điện công khai và thống nhất để tạo điều kiện tốt cho hoạt động của thị trường điện. Đây là giải pháp đặc biệt quan trọng nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, cần sớm có điều chỉnh Quy hoạch điện VII nhằm chính xác hóa nhu cầu đầu tư (như Chính phủ đã chỉ đạo), tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt vốn ODA đa phương và song phương. Các ngân hàng trong nước tiếp tục đồng hành thu xếp vốn cho các DA.
Về lâu dài, phát triển thị trường điện cạnh tranh nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư DA điện, là động lực cho hoạt động hiệu quả trong sản xuất kinh doanh điện và phát triển kinh tế xã hội.
Anh Minh