Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình |
Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Ngày thành lập Bộ Nội vụ, ngày truyền thống ngành tổ chức nhà nước?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Lịch sử xây dựng và phát triển của Bộ Nội vụ, ngành tổ chức Nhà nước gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam.
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhân dân ta đã đứng lên lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến, làm nên cuộc cách mạng giải phóng kỳ diệu trong lịch sử của dân tộc ta. Trong những ngày tháng Tám sục sôi ấy, Bộ Nội vụ đã được thành lập trong cơ cấu Chính phủ lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và đồng chí Võ Nguyên Giáp được cử làm Bộ trưởng đầu tiên, thực hiện nhiệm vụ xây dựng bộ máy Nhà nước, bảo vệ chính quyền cách mạng.
Kể từ đó, ngày 28/8/1945 đã đi vào lịch sử, đánh dấu sự ra đời của Bộ Nội vụ, ngành tổ chức Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Ngay sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập (2/9/1945), Bộ Nội vụ đã bắt tay nghiên cứu việc xây dựng Nhà nước cách mạng kiểu mới cũng như trực tiếp tổ chức thực hiện nhiều công việc cụ thể về tổ chức bộ máy Chính phủ, chế độ công chức công vụ, xây dựng chính quyền địa phương, bảo đảm trật tự, an ninh xã hội, bảo vệ Đảng, Chính phủ trước sự chống phá của kẻ thù.
Trong những năm kháng chiến, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện khó khăn, gian khổ, nhưng tổ chức bộ máy của Bộ vẫn không ngừng được củng cố và phát triển.
Đặc biệt, với việc ban hành Sắc lệnh 76/SL ngày 20/5/1950 của Chính phủ quy định chế độ công chức mới đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng đội ngũ công chức của Nhà nước cách mạng. Theo đó, Bộ Nội vụ đã trực tiếp thực hiện nhiều công việc được giao và đặc biệt, lần đầu tiên ngành tổ chức Nhà nước đã tổ chức thành công đợt thi tuyển công chức mới cho bộ máy Nhà nước dân chủ nhân dân.
Để chuẩn bị cho một Nhà nước thống nhất, trên cơ sở những chức năng, nhiệm vụ, công tác tổ chức cán bộ được chuyển từ Bộ Nội vụ về Phủ Thủ tướng, ngày 20/2/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 29/CP về việc thành lập Ban Tổ chức của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý công tác tổ chức theo đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng, kiện toàn bộ máy Nhà nước trong điều kiện tình hình, nhiệm vụ mới.
Khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải cải cách bộ máy Nhà nước theo tinh thần Đại hội VI của Đảng, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 135/HĐBT ngày 07/5/1990 quy định tên gọi, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Ban Tổ chức- Cán bộ của Chính phủ. Ngày 30/9/1992, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã quyết định Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ là cơ quan ngang bộ...
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ về công tác xây dựng bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong tình hình mới, ngày 05/8/2002, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 22/2002/QH11 quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ, theo đó, Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ đổi tên thành Bộ Nội vụ.
Thực hiện Nghị quyết số 01/2007/QH12 ngày 31/7/2007 của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, ngày 8/8/2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP về việc chuyển Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Cơ yếu Chính phủ vào Bộ Nội vụ.
Ngày 17/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu của Bộ Nội vụ.
Để tiếp tục kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ và tại Nghị định này, Học viện Hành chính Quốc gia được chuyển từ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh về trực thuộc Bộ Nội vụ.
Hiện nay, Bộ Nội vụ có 18 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp phục vụ chức năng quản lý của Bộ.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của Bộ Nội vụ, ngành tổ chức Nhà nước đối với đất nước, ngày 17/4/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về Ngày truyền thống ngành tổ chức Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ cho phép lấy ngày 28/8 hằng năm làm “Ngày truyền thống của ngành tổ chức Nhà nước”.
Thưa Bộ trưởng, trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì Bộ Nội vụ có vị trí, vai trò như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Để khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Nội vụ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, cải cách thể chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hội nhập quốc tế, ngày 10/8/2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Với sự ra đời của Nghị định 61/2012/NĐ-CP, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ ngày càng được mở rộng, tăng cường; tổ chức bộ máy của Bộ không ngừng được kiện toàn, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Đây là giai đoạn đánh dấu bước phát triển mới về chức năng và nhiệm vụ - Bộ Nội vụ trở thành Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.
Để tiếp tục kiện toàn chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức phù hợp với yêu cầu tình hình nhiệm vụ mới, ngày 16/6/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ.
Nghị định số 58/2014/NĐ-CP đã cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng cải cách hành chính, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Bộ theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, bằng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách pháp luật. Đồng thời, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ đã được rà soát và quy định rõ ràng, cụ thể, không bỏ sót và không chồng chéo với các bộ, ngành khác. Chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước và hoạt động sự nghiệp trong các lĩnh vực của Bộ được phân định rõ ràng, Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước về các lĩnh vực mà Bộ được giao quản lý với 28 nhiệm vụ cụ thể.
Có thể nói, Nghị định số 58/2014/NĐ-CP đã đánh dấu sự phát triển và tiếp tục khẳng định rõ vị thế, vai trò của Bộ, ngành Nội vụ trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và hội nhập quốc tế, song cũng đặt ra những yêu cầu mới với khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất và mức độ ngày càng khó khăn và phức tạp, đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, khẩn trương về tiến độ giải quyết công việc để đáp ứng được yêu cầu phát triển của Bộ, ngành Nội vụ trong giai đoạn mới.
Xin Bộ trưởng cho biết nhiệm vụ của Bộ Nội vụ trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ và ngành Nội vụ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, luôn bám sát định hướng, quan điểm, đường lối; đối mới phương pháp làm việc; nỗ lực, cố gắng để triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như sau:
Thứ nhất, về cải cách hành chính Nhà nước: Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính đảm bảo bộ máy công vụ hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và môi trường thông thoáng cho phát triển sản xuất kinh doanh, quy định rõ thẩm quyền một cơ quan xử lý và chịu trách nhiệm đối với từng thủ tục hành chính. Bảo đảm nguyên tắc chỉ duy trì và ban hành những thủ tục hành chính thực sự cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp nhất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước và cung cấp dịch vụ công, thúc đẩy nhanh việc áp dụng Chính phủ điện tử để giảm chi phí xã hội, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ hai, về cải cách chế độ công vụ, công chức: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, trong đó đẩy nhanh việc xác định vị trí việc làm. Hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn, chức danh công chức, viên chức. Đổi mới quy trình, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác thi tuyển, thi nâng ngạch, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan, trước hết là các quy định về cấp phó và chức danh “hàm”.
Thứ ba, về tổ chức bộ máy và biên chế: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi 2015) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách để triển khai quản lý Nhà nước trong lĩnh vực nội vụ một cách đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN; tiếp tục rà soát tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, tiến hành xây dựng và triển khai các quy định về đổi mới tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Thứ tư, về tổ chức chính quyền địa phương: Tập trung hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2015. Nghiên cứu, tham mưu để Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã. Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính Nhà nước về địa giới hành chính, giải quyết triệt để các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính.
Thứ năm, về chính sách tiền lương: Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp theo Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về "Một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020" để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt vào thời điếm thích hợp.
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, thi đua- khen thưởng; văn thư, lưu trữ; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hội và tổ chức phi chính phủ; về thanh niên và công tác thanh niên; về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới; công tác dân vận, dân chủ; tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển nhân lực ngành Nội vụ đến năm 2020…
Thanh Mỹ (thực hiện)